Là chủ nhà cho TGDĐ thuê, chị T.B. (TP Thủ Đức), chia sẻ lúc trước có nhiều bên ngỏ ý muốn thuê giá 150 triệu đồng/tháng, trả liền cả năm, nhưng vẫn chọn cho TGDĐ thuê giá rẻ hơn 30 triệu đồng, và trả theo quý, vì:
"Tôi nghĩ TGDĐ là doanh nghiệp tầm cỡ, cư xử xứng tầm, chứ không có chuyện lèm nhèm. Nhưng đến khi nhận công văn 'ra lệnh' giảm giá thuê theo ý của họ, tôi cảm thấy rất ngạc nhiên, lạ đời. Họ đòi giảm 100% là quá vô lý, vì kể cả trong thời gian TP giãn cách thì họ vẫn dùng mặt bằng để chứa tài sản, vẫn có nhân viên hoạt động, hỗ trợ hàng hóa cho kênh online. Nếu biết trước có ngày hôm nay, tôi sẽ không cho TGDĐ thuê".
Trước đó, TGDĐ gửi "Công văn gửi quý đối tác mặt bằng" (2-8), thông báo sẽ không thanh toán 70% khi cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch, không thanh toán 100% lúc đóng cửa hoàn toàn theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, đồng thời tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo. TGDĐ xác nhận với Tuổi Trẻ Online có văn bản trên và không bình luận thêm.
Cũng nhận được công văn trên, dù không trả lời đồng ý, nhưng đến nay gia đình bà B.L. (Quận 12, TPHCM) vẫn chưa nhận được tiền cho thuê mặt bằng của hai tháng 8 và 9-2021, hiện đang trong kỳ thanh toán tháng 10.
Điều khoản "trường hợp bất khả kháng" trong hợp đồng TGDĐ ký kết với bà B.L. (Quận 12) - Ảnh: NVCC
Theo tài liệu hợp đồng do bà B.L. và nhiều chủ nhà khác cung cấp cho Tuổi Trẻ Online, không xuất hiện điều khoản phía chủ nhà phải miễn/giảm phí thuê theo tỷ lệ do bên đi thuê (TGDĐ) quy định, kể cả trường hợp bất khả kháng.
"Họ gửi công văn "sốc hông", "ra lệnh", nghĩ chủ nhà thất thế, nhưng tôi không nghèo. Nếu lúc trước họ thương lượng tử tế thì tôi sẵn sàng giảm 50% phí thuê nhà trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, giờ thì một đồng cũng không", ông T.K.M. (chủ nhà, Bình Định) chia sẻ.
TGDĐ tự lập "bảng giá", khiến chủ nhà thành "con nợ" - Ảnh: NVCC
Thế giới di động không làm đúng theo tinh thần hợp đồng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Phạm Hoàng Sang (Đoàn luật sư TPHCM), nhận định việc Thế Giới Di Động (bên thuê) đơn phương tự ý đưa ra mức giảm 70-100% phí thuê mà không có sự đồng thuận của chủ nhà (bên cho thuê) là không đúng theo tinh thần của hợp đồng - văn bản pháp luật.
Vì chưa có sự đồng thuận giữa hai bên, nên văn bản của TGDĐ đưa ra áp đặt giá thuê hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Trên tinh thần thiện chí, hai bên có thể ngồi lại thương lượng và ký một phụ lục hợp đồng. Theo đó, đưa ra mức giảm tiền thuê sao cho phù hợp nhất với tình hình hiện tại và ý chí của các bên. Đây là trường hợp bất khả kháng, ngoài sự mong đợi của các bên khi giao kết hợp đồng.
Sự thỏa thuận này, nếu đạt được sẽ mang lại lợi ích to lớn hơn cho cả hai bên, tránh trường hợp phải tranh chấp, kiện tụng làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như gây tốn kém cho cả hai bên...
Trường hợp các bên không thống nhất được cách giải quyết theo hướng như trên, thì một bên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào hợp đồng và ý chí của các bên trong quá trình tố tụng, để đưa ra phán quyết.
Chủ tịch TGDĐ: "Chúng tôi đi một vòng và lấy về 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê"
Tại Shark Tank Forum 2020, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch hội đồng quản trị CTCP đầu tư Thế Giới Di Động - tiết lộ tỷ lệ phí thuê mặt bằng/doanh thu của TGDĐ nằm khoảng 1,5% - 2%, trong khi dự đoán phía FPT Shop nằm mức 4-5%.
"Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa tôi làm khó chủ nhà, bắt họ cho thuê rẻ. Cái này là quan hệ thương lượng, không ai chèn ép được ai", ông Tài cho hay.
Vị chủ tịch này cũng chia sẻ: "Theo các bạn làm tài chính, tiền thuê mặt bằng là chi phí cố định, không thay đổi được. TGDĐ nói cố định thì kệ nó chứ, tôi sẽ cho nó biến động. Chúng tôi đi một vòng và lấy về 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê".
"Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?", ông Tài nêu quan điểm.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, CTCP đầu tư Thế Giới Di Động đạt doanh thu thuần hợp nhất hơn 78.490 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020), lợi nhuận sau thuế hơn 3.000 tỷ đồng (+12%).