Trước đó, ngay cả với BHX dù hưởng lợi nhờ giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, nhưng Thế Giới Di Động cũng “xin” chủ cho thuê mặt bằng giảm 50% giá thuê.
Đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng
Sự việc Thế Giới Di Động đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng từ 70-100% được nhiều người biết đến sau khi một chủ nhà tại Bình Định, là ông T.K.M công bố các văn bản và sao kê số tiền mà doanh nghiệp này chuyển trả.
Theo ông M., phía Thế Giới Di Động chuyển vào tài khoản của ông chỉ 24,1 triệu đồng, thay vì 75 triệu đồng như hợp đồng đã ký trước đó. Với số tiền này, Thế Giới Di Động đã tự ý cắt giảm đến 70% tiền thuê nhà trong 3 tháng.
Điều khiến cho dư luận bức xúc chính là văn bản mà Thế Giới Di Động gửi cho khách hàng ngày 2-8, với nhiều nội dung được đánh giá là quá phi lý và sử dụng nhiều từ ngữ thiếu tôn trọng đối tác (chủ cho thuê mặt bằng).
Với những cửa hàng bị hạn chế hoạt động để phối hợp phòng chống dịch, Thế Giới Di Động sẽ thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng cho các đối tác, và không tính tiền thuê 70% còn lại. Thời gian áp dụng trong suốt 8 tháng đầu năm 2021 (từ ngày 1-1 đến ngày 1-8).
Công văn của doanh nghiệp này cũng thông báo tiền thuê đã thanh toán trước sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng, buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.
“Tôi biết đại dịch Covid-19 diễn ra làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải vì vậy mà Thế Giới Di động muốn tự giảm giá kiểu gì thì giảm mà không quan tâm đến ý kiến người cho thuê”, ông Mùi bức xúc nói.
Lãi lớn vẫn “than nghèo kể khổ”
"Đây là sự tiếp sức và động viên rất lớn của quý đối tác cho TGDĐ/ĐMX để chúng tôi duy trì hoạt động kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động, đóng góp phúc lợi cho xã hội", văn bản của Thế Giới Di Động nêu.
Dù công văn “than nghèo, kể khổ” vì khó khăn do tình hình dịch bệnh, nhưng theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 8 vừa qua, doanh nghiệp này ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn dịch. Cụ thể, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 8 tháng là 78.495 tỷ đồng (tăng 8% so với kỳ năm 2020).
Đáng chú ý là chuỗi TGDĐ/ĐMX vẫn đóng góp rất lớn vào kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động, với doanh thu lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 57.500 tỷ đồng (giảm 4%). Riêng trong tháng 8, có 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế, vẫn đóng góp hơn 80% giá trị doanh thu của TGDĐ/ĐMX trong điều kiện bình thường nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh online.
Chuỗi BHX ghi nhận tổng doanh thu hơn 20.600 tỷ đồng sau 8 tháng (tăng 56%). Với 1.928 cửa hàng vào cuối tháng 8, doanh thu trong tháng của BHX đạt hơn 3.000 tỷ đồng (tăng 52%). Doanh thu tính bình quân trên mỗi cửa hàng là hơn 1,5 tỷ đồng nhờ nhu cầu tích trữ hàng hóa và thay thế chợ truyền thống bị đóng cửa.
Với mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng của 3 chuỗi cửa hàng kinh doanh kể trên, lợi nhuận sau thuế 8 tháng của Thế Giới Di Động đạt 3.006 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái).
CP MWG không bị bán tháo nhưng sẽ bị tác động trong dài hạn
Kết quả kinh doanh vượt trội ngay trong đại dịch là yếu tố giúp cho Thế Giới Di Động có thể tránh được sức ép bán tháo trước làn sóng tẩy chay trên khắp các diễn đàn mạng xã hội và diễn đàn CK.
Tuy vậy, do liên tục dính "phốt" trong thời điểm cả nước gồng mình chống dịch, các thương hiệu của Thế Giới Di Động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, không chỉ với khách hàng mà cả NĐT trên TTCK.
Đặc biệt, với các quỹ đầu tư nước ngoài, vốn luôn đặt nặng vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sẽ cân nhắc khi đầu tư vào doanh nghiệp thường xuyên bị người tiêu dùng tẩy chay vì thiếu trách nhiệm xã hội.