Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) mới đây đã có thêm công văn gửi tới đối tác mặt bằng về việc thanh toán tiền thuê trong giai đoạn cửa hàng tạm đóng cửa bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đại diện chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) cho biết phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng tại gần 2.000 cửa hàng trong tháng 7. Điều này khiến cửa hàng không phát sinh doanh thu hoặc sụt giảm nhiều, ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động.
Theo đại diện công ty, với mong muốn giải quyết những khó khăn để tiếp tục đồng hành cùng đối tác sau khi dịch bệnh đi qua, MWG vừa có thông báo đến đối tác về những biện pháp sẽ triển khai trong giai đoạn này.
Đề nghị dừng và giảm tiền thuê
Công văn của tập đoàn này nêu rõ sẽ không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.
Với những cửa hàng bị hạn chế hoạt động để phối hợp phòng chống dịch, tập đoàn sẽ thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng với các đối tác và không tính tiền thuê 70% còn lại.
Thời gian áp dụng trong 8 tháng đầu năm (1-1 đến 1-8). MWG đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng".
Công văn đề nghị giảm tiền thuê mặt bằng mới nhất của MWG. |
Công văn này không áp dụng đồng thời với các hợp đồng thuê mà tập đoàn và các đối tác khác đã đạt được thỏa thuận giảm giá được ký trước đó vào ngày 15-6.
"Đây là sự tiếp sức và động viên rất lớn của quý đối tác cho TGDĐ/ĐMX để chúng tôi duy trì hoạt động kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động, đóng góp phúc lợi cho xã hội", văn bản của MWG trình bày.
Đến tháng 9, TGDĐ/ĐMX có thông báo về thanh toán chi phí tiền thuê mặt bằng và chuyển khoản tiền thuê đã giảm. Một đối tác cho thuê mặt bằng cũng vừa có đơn phúc đáp lại bày tỏ sự không đồng ý với động thái trên.
Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất trên được ký ngày 16-1-2020 giữa chi nhánh CTCP Thế Giới Di Động tại Bình Định về việc thuê mặt bằng kinh doanh tại đại chỉ 160A Trần Phú, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định để mở cửa hàng kinh doanh.
Trong thư phúc đáp, vị này cho rằng không có điều khoản nào nêu rõ việc Thế giới Di động được tự ý giảm giá thuê mặt bằng khi xảy ra dịch Covid-19 tại địa bàn An Nhơn và chưa có sự đồng ý của người thuê mặt bằng. Ông cũng cho biết phía Thế Giới Di Động có cử đại diện đến trao đổi nhưng vẫn chưa thống nhất.
Chỉ số ít nhận công văn mới
Trao đổi với Zing, một nguồn tin từ MWG cho biết khi đợt dịch thứ 4 bùng phát thì tập đoàn đã bắt đầu liên hệ với chủ nhà trong tháng 5 và đầu tháng 6 để xin gặp mặt thương lượng, hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng (chưa gửi công văn) và một số chủ nhà có thiện chí hỗ trợ.
Đến ngày 15-6, tập đoàn gửi công văn đầu tiên đến các chủ nhà "thiếu thiện chí" hoặc chưa chịu gặp với lý do chưa nhận được công văn. Một số chủ nhà sau đó đã có những hỗ trợ nhất định sau thương lượng.
Công văn này đề nghị đối tác giảm 50% giá thuê trong vòng 12 tháng tới, với các cửa hàng bị đóng cửa theo yêu cầu của Chính phủ thì miễn phí thêm 100% tiền thuê của tháng bị đóng cửa.
Công văn đề nghị giảm giá thuê mặt bằng lần đầu của MWG. |
Đến ngày 20-7, tập đoàn gửi công văn thứ 2 đến các chủ nhà còn lại và tiếp tục có thêm một số đơn vị đồng ý hỗ trợ. Công văn này đề nghị thanh toán 50% số tiền thuê của các kỳ thanh toán sắp tới và kéo dài đến hết năm 2021.
Công văn đề nghị giảm giá thuê mặt bằng lần 2 ngày 20-7 của MWG. |
Nguồn tin MWG giải thích công văn mới nhất được gửi đi từ ngày 2-8, theo hướng một chiều đến các chủ nhà "thiếu thiện chí" để họ chịu gặp mặt và thương lượng. Vị này cho biết với các đối tác vẫn tiếp tục né tránh và thiếu thiện chí thì "sẽ áp dụng theo tinh thần của công văn này".
Ông cũng nói thêm chỉ số ít chủ nhà nhận được công văn cuối, trong khi có chủ nhà không nhận được công văn nào thì có chủ nhà lại nhận được 3 công văn. Mức độ thiện chí sẽ giảm dẫn khi các đơn vị đó càng nhận được nhiều công văn.