Chủ tịch Phan Văn Mãi: TPHCM sẽ nỗ lực hết sức, phấn đấu thu ngân sách trên 90%

(ĐTTCO) - TPHCM sẽ tập trung bảo đảm thu ngân sách cao nhất, phấn đấu đạt thu ngân sách trên 90% kế hoạch, dù theo dự báo sẽ giảm. Tuy khó nhưng TP sẽ nỗ lực hết sức. TP đã đề ra 5 nhóm giải pháp để bảo đảm nguồn thu.
Chủ tịch Phan Văn Mãi: TPHCM sẽ nỗ lực hết sức, phấn đấu thu ngân sách trên 90%
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 ngày 2-10, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cho biết tháng 9 và 9 tháng đầu năm, TPHCM bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covid-19, gây tác động đến kinh tế, chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa cũng như đời sống, tâm lý của nhân dân TP. Trong bối cảnh đó, TP đã nỗ lực và đạt được một số kết quả.

Về phòng chống dịch, TPHCM đã nỗ lực rất lớn và đến giờ này đã đạt một số kết quả bước đầu, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh tuy còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Về thu ngân sách, đến thời điểm này, TP đã thu được 75%.

Về nhiệm vụ ngân hàng, vẫn duy trì và có tăng trưởng, huy động tín dụng trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2020. Giá trị sản xuất, xuất khẩu tại khu công nghiệp cao đạt khá, giá trị sản xuất đạt 16,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Các hoạt động văn hóa xã hội bảo đảm, nhất là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ người dân được thực hiện rất tốt. Quốc phòng an ninh vẫn được bảo đảm trong tình thế khó khăn...

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh đó là những kết quả rất đáng mừng của TPHCM trong tình hình khó khăn vừa qua. Tuy nhiên, do tác động của dịch nên các chỉ số kinh tế giảm sâu, dự báo trong quý 4 còn giảm tiếp.

Tổng mức bán lẻ giảm 17,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 12,9%; giải ngân đầu tư công chỉ mới đạt 32%; từ đó tăng trưởng GRDP của TP trong quý III giảm 4,82%, và dự báo cả năm giảm 5,02%.

So với 2 kịch bản tăng trưởng mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề ra, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, TP rất khó khăn nhưng sẽ cố gắng có những kế hoạch riêng để đạt kết quả cao nhất.

Trong quý IV, TPHCM sẽ tập trung các biện pháp phòng chống dịch và từng bước phục hồi kinh tế, triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Trung ương.

Thứ nhất, TPHCM sẽ tập trung triển khai Chỉ thị 18 của TP về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM; lấy kết quả kiểm soát dịch làm trọng tâm để từng bước phục hồi kinh tế.

Thứ hai, tập trung các giải pháp để phục hồi kinh tế. TP sẽ tập trung trước cho các lĩnh vực sản xuất, sau đó là các dịch vụ chủ lực của TP, những ngành tạo ra giá trị sản xuất và xuất khẩu lớn cũng như đóng góp ngân sách lớn, gắn với hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đang gặp khó khăn để phục hồi sản xuất.

Đồng thời phát triển sinh kế đặc biệt ở các vùng kiểm soát được dịch để tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.

Thứ ba, tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cũng như chuẩn bị các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân; phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt khoảng 95% kế hoạch giải ngân đầu tư công. TPHCM thống nhất Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách sang năm 2022, đó cũng là điều kiện để thực hiện giải ngân đầu tư công.

Thứ tư, TPHCM sẽ tập trung bảo đảm thu ngân sách cao nhất, phấn đấu đạt thu ngân sách trên 90% kế hoạch dù theo dự báo sẽ giảm, khả năng đạt trên 90% là khó nhưng TP sẽ nỗ lực hết sức. TP đã để ra 5 nhóm giải pháp để bảo đảm nguồn thu.

Thứ năm, triển khai đồng bộ các giải pháp chăm lo đời sống, tinh thần của người dân, nhất là lo an sinh xã hội các hệ lụy do dịch Covid-19 gây ra như người già neo đơn, trẻ em mồ côi, lao động việc làm cho phục hồi sản xuất… Cùng với đó, bảo đảm nhiệm vụ an ninh quốc phòng trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, song song đó, TP cùng sẽ xây dựng kế hoạch phát triển trong năm 2022, trong quá trình đó, TPHCM rất cần sự đồng hành của Trung ương để đạt kết quả cao nhất.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, với sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của các bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, ngay cả tại những tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca mắc, tử vong ngày càng giảm sâu.

Đây là một điểm sáng, kết quả đáng mừng trong quý III và tháng 9 sau khi 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tuyệt đối không được lơ là, chủ quan vì tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp; đồng thời không cực đoan, cần thực hiện lộ trình mở cửa an toàn, phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng lưu ý các địa phương một số nội dung liên quan tới việc người dân trở về quê sau khi nới lỏng giãn cách tại một số địa bàn.

Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục vận động người dân ở lại, đồng thời triển khai các biện pháp ổn định cuộc sống, tiêm vaccine, quan tâm giải quyết việc làm cho bà con… Với những người thực sự cần trở về, các địa phương phối hợp, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ để đưa đón người dân một cách an toàn, trật tự, trên tinh thần tương thân, tương ái, tránh những căng thẳng không cần thiết.

Thủ tướng biểu dương và đề nghị các địa phương tham khảo một số bài học kinh nghiệm tốt như Vĩnh Phúc đã đón hơn 20.000 người dân trở về bảo đảm an toàn, Tiền Giang đón người trở về theo hướng phân cấp, phân tán xuống từng xã, huyện để tránh quá tải, vận dụng quan điểm lấy "xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ".

Các tin khác