(ĐTTCO) - Nhà bán lẻ này khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống.
Giữa làn sóng dịch bệnh diễn biến phức tạp, hơn 2/3 chợ truyền thống phải đóng cửa chống dịch vì liên quan đến bệnh nhân Covid-19, nhiều người tiêu dùng tại TPHCM xếp hàng đi siêu thị mua thực phẩm với giá rau củ tăng cao, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động - doanh nghiệp sở hữu chuỗi Bách Hóa Xanh, phát thông báo cho biết khó giữ được giá bán lẻ hàng tươi sống.
Doanh nghiệp cho rằng nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, và đồng hành với chính quyền thành phố thực hiện Chỉ thị 16, Bách hoá Xanh đã không ngừng nâng cao năng lực dự trữ hàng hoá. Cùng với đó là duy trì các kênh bán hàng, quản lý các rủi ro cũng như tập trung nhân sự nỗ lực cung cấp hàng hoá thiết yếu cho người dân trong giai đoạn mua sắm đột biến.
Song, doanh nghiệp thừa nhận chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại TPHCM đã được điều chỉnh theo sự biến động giá đầu vào tại những thời điểm nhất định.
"Chúng tôi khẳng định Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh", thông báo cho biết.
Tuy nhiên, cũng thông báo này, doanh nghiệp lại cho rằng cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống.
Lý giải việc thông báo khó giữ giá hàng hóa thiết yếu tại TPHCM, doanh nghiệp nói đã nỗ lực cân bằng và hài hoà giữa lợi ích người tiêu dùng và việc vận hành hàng ngàn cửa hàng bán lẻ, bao gồm các yếu tố trọng yếu như kho bãi, vận chuyển, cung ứng, nhà cung cấp, nhân sự và cả chi phí bảo đảm an toàn cho người mua hàng trong giai đoạn dịch bùng phát này.
Giữa phân trần tăng giá hàng thiết yếu của Bách hóa Xanh, một loạt nhà bán lẻ lớn khác cùng đưa ra thông điệp chung sức cùng TPHCM chống dịch, cung ứng đầy đủ hàng hóa và không tăng giá, thiếu hàng trong giai đoạn khó khăn này.
Cụ thể là thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng tăng đáng kể, chi phí vận chuyển tăng trong khi thêm giá xăng tăng. Chi phí nhân sự cũng tăng cao khi hàng ngàn người phải xét nghiệm, đổi chỗ ở cho nhân viên... . Và yếu tố thúc đẩy giá tăng là giá hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp.
Từ vài ngày trước, một số người tiêu dùng phàn nàn hệ thống Bách Hóa Xanh đã tăng giá hàng hóa, nhất là rau củ quả đang có giá bán rất cao.
Trên mạng xã hội, một tài khoản còn livestreams (phát trực tiếp) để phản ánh bức xúc của mình sau khi mua hàng tại một điểm bán thuộc chuỗi này. Khách hàng bức xúc cho rằng: "Người dân đang khốn khổ, vừa không có công ăn việc làm, vừa phải lo chống dịch. Họ (siêu thị) được mở cửa để buôn bán, giúp cho dân trong thời khắc khó khăn, lại còn là doanh nghiệp lớn, tại sao người dân đang khó khăn như vậy mà nỡ lòng nâng giá lên”, người phụ nữ thể hiện sự bức xúc của mình.
Nhiều người sau đó đã để lại ý kiến sẽ tẩy chay siêu thị này.
Trao đổi với báo chí chiều tối 13-7, đại diện Bộ Công thương cho biết đã liên hệ với phía doanh nghiệp, và đã nhận được phản hồi.
Đáng chú ý, trong khi Bách hóa Xanh đưa một loạt lý do tăng giá thì phía Co.op mart, Central Group, Aeon, Vinmart lại gửi thông điệp đến khách hàng yên tâm mua sắm, hàng hóa không thiếu. Doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ lượng hàng cung ứng cho nhu cầu 3-6 tháng và cam kết không tăng giá.
"AEON Việt Nam đã và sẽ luôn cố gắng hết sức để đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu với giá cả bình ổn cho người dân ở mọi cấp độ của dịch bệnh; chung tay cùng người dân và chính quyền TPHCM vượt qua đợt dịch Covid-19 lần này", là cam kết của AEON Việt Nam.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cam kết kéo dài thời gian mở cửa, tăng nhân viên hỗ trợ khách mua sắm. Và để giải quyết nhu cầu tăng cao, một số siêu thị còn tổ chức các xe hàng lưu động phục vụ người tiêu dùng tại các khu đông dân cư, với đầy đủ hàng hóa thiết yếu.