LTS:Quốc lộ (QL) 51 dài 86km nối TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) với TP Vũng Tàu (Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), được xây dựng từ thời Pháp thuộc, là tuyến đường huyết mạch của vùng Đông Nam bộ và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dù được đầu tư nâng cấp, mở rộng lên 8 làn xe từ năm 2009, nhưng những năm gần đây QL51 đã trở thành điểm nghẽn giao thông trong phát triển khi lưu lượng xe đã gấp 3-4 lần so với thiết kế. Từ đó phát sinh nhiều “điểm đen” về tai nạn giao thông, kẹt xe liên tục làm phát sinh chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.
Là tuyến đường bộ huyết mạch nối khu trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa xuất khẩu của vùng Đông Nam bộ là Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước với các cảng sông ở Đồng Nai, TPHCM và cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhưng QL 51 đang phải đối mặt với tình trạng quá tải trầm trọng, làm xuất hiện nhiều “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT), tăng chi phí logistic.
Xe cộ nối đuôi nhau chờ qua Trạm thu phí T2, QL51. Ảnh: VĂN PHONG
Lưu lượng xe tăng, đường nhanh xuống cấp
QL51 được nâng cấp, mở rộng từ năm 2009 với 8 làn xe. Những năm 2010-2012, những người có dịp đi lại trên tuyến quốc lộ này đều cảm thấy thoải mái khi đường rộng thênh thang. Con đường đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội của Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM với mức tăng trưởng ấn tượng so với cả nước. Nhưng do lượng xe tăng quá nhanh, con đường nhanh chóng bị quá tải chỉ sau vài năm được nâng cấp. Trong năm 2020, lưu lượng bình quân phương tiện qua 3 trạm thu phí là: 30.886, 41.238 và 23.341 lượt xe/ngày đêm. Trong khi đó, lượt xe theo tiêu chuẩn thiết kế chỉ dưới 15.000 lượt/ngày đêm. Theo số liệu mới nhất của Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), chủ đầu tư dự án nâng cấp QL51, cho thấy, lưu lượng xe qua các trạm thu phí T1, T2 và T3 trong năm 2021 tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, áp lực nhất là trạm T2 (trạm có lưu lượng xe cao nhất trên toàn tuyến) với lưu lượng quý 1-2021 đạt trung bình 40.934 lượt/ngày đêm, gấp 4 lần so với thiết kế, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 70% so với năm 2015.
Lưu lượng xe tăng “nóng” đã làm mặt đường nhanh chóng xuống cấp; ùn ứ xe cộ xảy ra thường xuyên làm tăng thời gian, chi phí cho các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến và gián tiếp kéo giảm tốc độ phát triển chung của cả vùng Đông Nam bộ. Ông Đinh Hồng Hà (Tổng Giám đốc BVEC) than thở: “QL51 hiện đã mãn tải rồi, theo kế hoạch thì đến năm 2020 phải phân bớt lượng xe cho đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhưng hiện dự án chưa có báo cáo khả thi nên chúng tôi không biết phải chịu đựng đến bao giờ”.
Một trong những vấn đề nhức nhối nhất của QL51 hiện nay là kẹt xe. Tình trạng này diễn ra trầm trọng nhất trên đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Với chiều dài đi qua chỉ có 36km nhưng nạn kẹt xe diễn ra gần như suốt tuyến, nặng nhất là đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến Long Thành (dài 20km). Người tham gia giao thông đã quá quen với cảnh sáng đi làm đã thấy xe container xếp hàng nối đuôi nhau trên đường. Nếu muốn nhanh thì chỉ còn cách tìm đủ cách luồn lách, kể cả ô tô du lịch, xe container chen vào làn xe máy, khiến tình trạng giao thông rất phức tạp. Anh P.V.T. làm việc ở TP Biên Hòa, thường xuyên đi lại giữa Long Thành, Nhơn Trạch với Biên Hòa, ngán ngẩm cho biết: “Nạn kẹt xe diễn ra hàng ngày, trước đây chỉ đi 30 phút thì giờ phải mất 50-60 phút, thậm chí có hôm kẹt xe nặng, đi từ Long Thành về Biên Hòa mất 2 tiếng. Do đó mỗi khi có việc tôi phải đi sớm hơn 30-40 phút để không lỡ việc”. Còn với anh N.V.L., tài xế xe khách tuyến Vũng Tàu - Biên Hòa với 3 chuyến đi lại mỗi ngày, cho biết cách đây khoảng 5 năm anh chỉ mất khoảng 2 tiếng để hoàn thành chặng đường từ bến xe Vũng Tàu đến bến xe Biên Hòa. Nhưng hiện nay cũng với quãng đường ấy, sau khi vượt qua tổng cộng 56 trụ đèn tín hiệu giao thông, 3 trạm thu phí thì anh phải mất gần 3 giờ. Thậm chí, nếu trùng vào giờ tan tầm của công nhân các nhà máy hoặc giờ học sinh tan trường thì anh còn mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành chuyến đi. Không giấu được vẻ mệt mỏi, anh L. nói: “Có bữa kẹt xe 4 tiếng mới đến bến khiến hành khách ai cũng than ngắn thở dài, còn mình thì căng thẳng mệt mỏi. Gặp hôm có tai nạn trên đường thì đủ các loại xe nối đuôi nhau dài 2-3km”.
Số liệu thống kê của BVEC cho thấy nạn kẹt xe ngày càng trầm trọng, buộc đơn vị phải xả trạm tăng theo cấp số nhân. Nếu năm 2019 xả trạm 16 lần (trong đó qua trạm T2 là 13 lần), năm 2020 số lần xả trạm tăng lên 39 lần, thì chỉ trong quý 1-2021 đã có 98 lần công ty buộc phải xả trạm để giảm ùn tắc (trạm T2 chiếm đến 92 lần).
“Điểm đen” giao thông
Là đường độc đạo đi từ TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ đến Vũng Tàu, với mật độ giao thông ngày càng tăng, giao cắt nhiều tuyến đường nhánh… đã biến tuyến QL51 thành “điểm đen” giao thông và khiến số vụ TNGT ngày càng tăng. Chỉ riêng một đoạn 20km từ Biên Hòa đến Long Thành đã xuất hiện nhiều “điểm đen” thường xuyên ùn tắc như cổng 11, ngã ba Bến Gỗ, ngã ba QL51 vào sân golf Long Thành, điểm giao giữa QL51 tuyến tránh thị trấn Long Thành với QL51 cũ qua thị trấn…
Theo nhiều tài xế, ngoài vấn đề kẹt xe do quá tải, đường xuống cấp thì ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt (như tự ý chen làn, cắt ngang mặt ở trụ đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều…) cũng khiến tình hình đi lại trên tuyến quốc lộ này càng thêm hỗn loạn.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2020 trên toàn tuyến có 93 vụ TNGT, làm 39 người chết, 82 người bị thương, 123 phương tiện bị hư hỏng. Năm 2021, theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến gần hết tháng 4, chỉ riêng đoạn QL51 đi qua địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ TNGT khiến 17 người chết, 8 người bị thương, tăng 3 vụ, 3 người chết so với cùng kỳ năm 2020. Còn tại Đồng Nai, số liệu đến hết quý 1 cho thấy có 6 người chết vì tai nạn trên tuyến QL51, tăng 1 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, dù chỉ là tuyến đường cấp 3 đồng bằng nhưng do các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu mở ra nhiều, cùng sự ra đời của tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (nhất là đoạn TPHCM - Long Thành) đã làm lượng xe tăng quá nhanh, khiến tình hình giao thông trên QL51 đang rất phức tạp. Hiện các KCN dọc tuyến đang ngày càng được lấp đầy nên đã xuất hiện thêm nhiều điểm kẹt xe ở Phú Mỹ và KCN Mỹ Xuân. Các ngành chức năng của tỉnh đang phối hợp thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết các vấn đề tồn tại trên tuyến đường này.
Hiện nay chỉ có khoảng 10%-15% lượng hàng hóa của cảng Cái Mép - Thị Vải đi về các tỉnh lân cận bằng đường bộ. Nếu lượng hàng vận chuyển trên tuyến đường này tăng lên khi hết thời gian thu phí thì rất khó hình dung được tình trạng giao thông của QL51sẽ như thế nào. |