Giữa những game show vui vẻ nhún nhảy đang khiến khán giả bội thực, VTV1 thực hiện chương trình “Giai điệu tự hào” cũng là một tín hiệu đáng khích lệ. Thực ra, đây cũng không phải ý tưởng của những người làm truyền hình nước ta. “Giai điệu tự hào” chỉ Việt hóa format chương trình “Tài sản quốc gia” của Nga mà thôi.
Thôi đành chấp nhận chúng ta chưa đủ tầm vóc sáng tạo thì đi vay mượn và bắt chước thiên hạ, miễn sao có thiện chí phục vụ đời sống tinh thần cho công chúng. Thế nhưng, đã đặt tên “Giai điệu tự hào” phải cố gắng để mọi người cùng “tự hào” về những “giai điệu” ấy. Đằng này, sau vài buổi phát sóng được tán thưởng, “Giai điệu tự hào” bộc lộ không ít sự khiên cưỡng và áp đặt, mà đỉnh điểm khiến dư luận phản ứng gay gắt là dàn dựng lại bài hát “Đi học” nổi tiếng.
Bài hát “Đi học” gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Năm 1970, nhà thơ Minh Chính hy sinh ở chiến trường khi mới vừa 26 tuổi, đồng đội đã tìm thấy trong di cảo của liệt sĩ này có bài thơ “Đi học” với niềm cảm xúc trong veo: “Hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước, hôm nay mẹ lên nương, một mình em đến lớp…”. Ngay lập tức “Đi học” được Nhà xuất bản Kim Đồng đưa vào tuyển tập “Mặt trời xanh”. Đến năm 1976, bài thơ “Đi học” được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo chấp thêm đôi cánh giai điệu và bay đi khắp nẻo đường. Gần 40 năm qua, nhiều lớp học trò đã thầm thì trên môi mình những tâm tư xao xuyến “Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây. Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay”.
Không thể nói khác hơn, bài hát “Đi học” là món quà trao lại cuộc đời của nhà thơ Minh Chính và nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (1931-1997). Vậy mà chương trình “Giai điệu tự hào” lại chuyển nhịp 2/4 của bài hát sang nhịp 3/4, và để một nam ca sĩ chuyên hát rock thể hiện vừa sai nhạc vừa sai lời. “Đi học” từ một khúc ca trong sáng đã bị biến thành thương ca não nề. Ngay tại trường quay, TS. Nguyễn Thị Minh Thái đã phản ứng “không lên hết tinh thần âm nhạc của bài hát và có phần xúc phạm đến những người từng nghe bài này”. Trong khi đó, nhạc sĩ Quốc Trung với tư cách người trực tiếp dàn dựng vẫn chống chế: “Tôi muốn các khán giả trẻ cảm nhận và thích thú để bài hát ấy tiếp tục tồn tại”.
Công bằng mà nói, dù có hay không có “Giai điệu tự hào”, bài hát “Đi học” vẫn âm vang dài lâu. Mỗi bài hát gắn với một không gian, một thời đại, không thể lấy cớ làm mới mà cưỡng bức thay đổi tinh thần của bài hát. Giai điệu để khơi tự hào của cộng đồng, không phải để chiều theo sở thích của cá nhân.