Những nút thắt cần phải tháo gỡ, cởi bỏ, nhằm đạt mục tiêu “đến năm 2030 Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại”.
Nút thắt đầu tiên được các chuyên gia chỉ ra, đó là để có được tăng trưởng kinh tế, phải phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu gắn với nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để tham gia được vào “chuỗi cung ứng toàn cầu” của các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam, và để trụ vững ngay tại thị trường nội địa.
Có như vậy mới có thể đạt được mục tiêu đặt ra tại Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ - nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 29-NQ/TW. Đó là, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45% và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến, chế tạo lên khoảng 90% vào năm 2030.
Lý thuyết ngắn gọn vậy nhưng có rất nhiều việc phải làm, mà ở đó, việc đầu tiên để có thị trường, có đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực liên quan phải đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường, lao động… ngày càng cao mà ta đã cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Rất nhiều việc các ngành công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu đang phải bứt tốc triển khai, như qua chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam: “Chúng ta cần chủ động sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam vừa để chủ động nguồn cung ứng cũng như gia tăng các giá trị sản phẩm. Chính sách thứ hai là chúng tôi vẫn tiếp tục kiến nghị hỗ trợ các hoạt động để đầu tư vào phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những dòng sản phẩm có chất lượng giá trị cao như các mặt hàng da thuộc, các mặt hàng giả da… Thứ ba nữa là áp dụng chuyển đổi số là một trong những giải pháp để giúp nâng cao chất lượng quản lý, tiết giảm các chi phí cũng là một trong những cái để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp”.
Nút thắt quan trọng thứ 2 cần giải quyết đó là làm sao để doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn lên và để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn chứng thực tế từ số liệu xuất khẩu đang phụ thuộc hơn 70% từ khối ngoại và chủ yếu là từ các ngành công nghiệp chế tạo thiết bị điện tử, máy móc công nghệ cao mà doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận, và cho rằng.
“Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân trong nước đang kém hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện nhiều thông điệp: Một là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết thời gian vừa rồi không tốt bằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chưa được hưởng lợi nhiều từ việc chúng ta khai mở thị trường.
Điểm thứ hai, có thể là mức độ chuyển dịch lên chuỗi cao hơn, nấc cao hơn thì khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước đang chậm hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu nhìn dòng vốn FDI trong thời gian qua thì rõ ràng là doanh nghiệp FDI về chế biến, chế tạo, trong lĩnh vực điện thoại, linh kiện điện tử đã tăng trưởng rất nhanh; trong khi các doanh nghiệp tư nhân trong nước mức độ chuyển dịch lên những ngành có giá trị gia tăng cao hơn, có giá trị xuất khẩu cao hơn dường như là đang chậm” - ông Đậu Anh Tuấn nói.
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp FDI để phát triển bền vững. (Ảnh: KT)
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ý kiến: “Nhóm giải pháp rất quan trọng là ta phải tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng là vừa tăng cường sức chống chịu nhưng mà vừa bắt nhịp với các xu thế mới của thế giới, đó là sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu và lựa chọn điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài - những nhà đầu tư có tầm vóc, có chất lượng. Chúng ta phải tiếp tục công cuộc cải cách thủ tục hành chính, thậm chí là cải thiện môi trường đầu tư, mà đây thực chất là tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế”.
Làm sao đạt được tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp cũng như có thể kết nối doanh nghiệp tư nhân trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuỗi cung ứng.
Ông Lê Thủy Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất: “Bằng cách nào đó cũng cần ràng buộc các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cần phải thực hiện chuyển giao công nghệ cũng như tăng tỷ lệ nội địa hóa, chứ nếu chỉ là lắp ráp đơn thuần và khi không có lợi nhuận nữa thì lại chuyển đi thì sẽ không đạt được mục tiêu của chúng ta về công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, phải có chính sách cụ thể để thực thi các cam kết giữa nhà đầu tư FDI với doanh nghiệp trong nước trong việc chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất của họ.
“Cam kết đầu tư cũng như hoạt động đầu tư là họ có hỗ trợ nhưng mà thực sự là tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải xây dựng những quy định ràng buộc đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hơn nữa trong việc chuyển giao công nghệ cũng như thực hiện các cam kết công nghệ. Bởi vì khi vào với chúng ta, trong các đề án, trong các dự án đầu tư thì cam kết chỉ ra rất rõ ràng, nhưng không có ràng buộc gì cả. Thế nên cho đến thời điểm này, nếu như đánh giá tỷ lệ thì vô cùng thấp, rất thấp. Vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận quá trình tái cơ cấu cái gì khó khăn, cái gì chưa đạt thì chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh” - TS. Nguyễn Văn Hội nói.
Cùng với đó, TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương cũng nhấn mạnh tới việc phải giải quyết một nút thắt quan trọng nữa, đó là năng lượng - và trực tiếp là điện năng. Việc thiếu hụt nguồn điện tại miền Bắc - nơi có nhiều trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo của cả nước thời gian cao điểm mùa khô cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua - là chỉ báo cho thấy những bất cập trong việc đảm bảo nguồn năng lượng điện cho phát triển công nghiệp lâu dài.
Việt Nam - một đất nước đang phát triển, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn. Việc thiết kế đồng bộ các ngành công nghiệp nền tảng gắn với các công trình, dự án như năng lượng, y tế hay giao thông, vận tải v.v. sẽ không chỉ tạo ra việc làm, sản phẩm cho các ngành công nghiệp mà còn mở rộng thêm quy mô doanh nghiệp và nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, đất nước.
Nút thắt quan trọng nhất cần phải được tháo gỡ chính là hoàn thiện thể chế. Chỉ khi được luật hóa và đồng bộ các cơ chế chính sách - mới quyết định chất lượng đầu tư, từ sự lựa chọn đầu tư của các đối tác, sự lớn mạnh của doanh nghiệp và đường hướng phát triển bền vững công nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cơ quan quản lý Nhà nước đang khẩn trương hoàn thiện dự án Luật phát triển công nghiệp nhằm thể chế hóa và triển khai các chỉ đạo tại Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương.
“Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện dự án Luật phát triển Công nghiệp để trình các cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội xem xét thông qua trong giai đoạn 2023-2024 làm cơ sở pháp lý thống nhất cho các hoạt động phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới; huy động tối đa mọi nguồn lực để tham gia đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư vào các dự án lớn có tính chất lan tỏa nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, góp phần phát triển kinh tế đất nước” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Theo TTXVN