Hiểu đúng về cao hổ cốt
Để biết được cao hổ cốt có thực sự tốt cho xương khớp hay không cần tìm bản chất của nó. Thực tế trong thành phần cao hổ chủ yếu là canxi photphat, magie photphat và canxin cacbonnat cùng một lượng lớn protein… những chất trong xương của nhiều loại động vật đều có. Chúng không có quá nhiều khác biệt. Dược sĩ Trần Lâm Huyến (trong bài nghiên cứu cao động vật - dược học) khi phân tích tỷ lệ cấu thành ở các loại cao như cao hổ cốt, cao ban long, cao khỉ, cao gấu… không thấy có khác biệt nhiều. Theo tìm hiểu của tôi, trong đông y có khoảng 17.000 bài thuốc nhưng chỉ có 50 bài thuốc có vị thuốc động vật. Tuy nhiên nhiều người lại xem thành phần động vật là bài thuốc thần kỳ chữa bách bệnh đặc biệt là xương khớp. Từ đó tự ý sử dụng không theo hàm lượng nhất định. Phải biết rằng ngay cả các bài thuốc có thành phần động vật cũng phải sử dụng đúng vị, đúng hàm lượng mới mang lại hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất. Vị động vật chỉ là một vị trong các bài thuốc ấy.
Th.S.BS Trần Quốc Khánh, Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức
Vậy vì sao người ta lại đẩy giá bán cao hổ cốt cao đến như vậy. Tất cả đều mang mục đích thương mại, đánh vào tâm lý người mua. Nếu không thận trọng người mua còn có thể mua phải hàng giả. Trên thực tế việc mua cao hổ cốt giả không ít vì lượng hổ trong tự nhiên khá hiếm và không còn nhiều cao hổ để bán trên thị trường. Việc dùng cao hổ cốt giả có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người bệnh. Là một bác sĩ tôi chưa bao giờ nghĩ khi có vấn đề xương khớp nên sử dụng cao hổ cốt. Khi có bất cứ vấn đề gì về xương khớp bệnh nhân cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, có phác đồ điều trị và hướng dẫn tập luyện, ăn uống phù hợp.
Những giải pháp để có hệ xương khớp khỏe mạnh
Những giải pháp để có hệ xương khớp khỏe mạnh
Điều đầu tiên cần quan tâm về dinh dưỡng chính là uống nhiều nước, không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia nhất là những loại rượu mạnh trên 30 độ. Nhiều người nghĩ rằng hút thuốc lá chỉ ảnh hưởng đến phổi nhưng thuốc lá cũng là một trong những tác nhân gây bệnh xương khớp. Ngoài ra nên chú ý ăn nhiều trái cây, sữa chua và các loại hạt (đậu, lạc, hành nhân, mắc ca), những loại hạt này đặc biệt tốt cho người bị xương khớp.
Với những người bị xương khớp nên nằm nệm cứng, tránh gối cổ quá cao, tránh ngồi lâu một tư thế, tránh bê vật nặng đột ngột, tránh đi guốc quá cao vì như vậy có thể gây tổn thương cổ chân, khớp gối, khớp cột sống thắt lưng. Cần lưu ý tránh chơi thể thao khi chưa khởi động. Đây là một nguyên tắc nhiều người quên khiến cho hệ xương khớp dễ bị tổn thương. Nên tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên mỗi ngày. Với những người thường xuyên sử dụng máy tính, nên để ngang tầm mắt tránh phải cúi thấp ảnh hưởng xương khớp, đồng thời cuộc sống hiện đại ngày nay mọi người sử dụng điện thoại quá nhiều, phải cúi cổ lâu cũng không tốt. Ngoài ra cần tẩy giun định kỳ cho các thành viên trong gia đình.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp dự phòng bệnh xương khớp chính là kiểm soát cân nặng. Hầu hết những người thừa cân béo phì đều gặp các vấn đề về xương khớp đặc biệt khớp cột sống lưng, khớp háng, gối và cổ chân. Những người có vấn đề xương khớp bình thường có thể chơi mọi môn thể thao, còn những người bị cột sống lưng nên tránh những môn như tránh chạy bộ nhanh mạnh, cầu lông, tennis, bóng chuyền. Những người này có thể bơi, đạp xe, bóng bàn, tập gym, yoga hoặc nhảy nhẹ nhàng. Với bệnh lý khớp gối nên đạp xe, bơi, yoga dưỡng sinh…
Cần bổ sung dưỡng chất khoa học đúng hàm lượng, thành phần được các nhà khoa học chứng minh và khuyến cáo. Khi bị xương khớp chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung các dưỡng chất khoa học như: canxin nhất là phụ nữ sau tuổi 55, bổ sung glucosamin, các vitamin nhóm vitamin A… Tuy nhiên khi sử dụng những dưỡng chất này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa không nên tự ý sử dụng. Hiện nay các sản phẩm bổ sung cho xương khớp được bán rất nhiều trên thị trường, nhiều người thường có quan niệm cứ uống là tốt nên chủ động uống khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Mỗi người có thể chất, có sức khỏe xương khớp khác nhau nên việc bổ sung cũng không hoàn toàn giống nhau.
Khi có bệnh lý xương khớp phải đi khám bác sĩ chuyên khoa, không tự ý chữa trị khi không biết chính xác mình mắc bệnh lý nào. Hiện nay vẫn có tình trạng bệnh nhân bị đau là đi tiêm. Việc khám chuyên khoa giúp người bệnh xác định chính xác bệnh, có phác đồ điều trị phù hợp, có chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học.
Một số lưu ý, không tự ý sử dụng các loại “thuốc tiên” được quảng cáo tràn lan, không tự ý đến các thầy lang bốc thuốc vì hậu quả của việc dùng thuốc không đúng, không rõ nguồn gốc là hết sức khủng khiếp. Thứ hai, với phụ nữ nhất là phụ nữ trên 55 tuổi cần chủ động đo loãng xương vì loãng xương là một trong những bệnh lý hay gặp, thời gian chữa cũng mất khoảng 3-5 năm. Với những phụ nữ đã thực hiện phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc có điều trị ung thư vú nên kiểm tra loãng xương sớm hơn. Hiện nay y học đang rất phát triển nên nhiều bệnh lý xương khớp có thể điều trị tốt, mang lại một cuộc sống bình thường khỏe mạnh cho người bệnh. Nhưng lưu ý dù khám hay chữa trị bệnh nhân nên tìm đến các bệnh viện chuyên khoa, có uy tín để tránh tiền mất tật mang.