Tháng 7 là lần đầu tiên trong năm nay tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đã tăng so với cùng kỳ. Từ đó, đưa tổng vốn thu hút được trong 7 tháng đầu năm đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng số dự án lớn gấp 2 lần tốc độ tăng vốn đầu tư cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng môi trường đầu tư của Việt Nam. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Để thu hút dòng vốn ngoại chất lượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng thí điểm ưu đãi với 4 nhóm doanh nghiệp liên quan lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực; nghiên cứu và phát triển; đầu tư tài sản cố định và hỗ trợ chi phí sản xuất.
"Đây là các chính sách đã có từ trước, nhưng nay phải cập nhật, thực tế hơn. Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Bộ, ngành để soạn thảo các chính sách liên quan tới ưu đãi hỗ trợ đầu tư với các dự án về công nghệ cao tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội trong kì họp tháng 10", ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại, trong một cuộc họp gần đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp FDI cũng đã đưa ra nhiều đề xuất.
Ông Yasuhisa Taninaka - Trưởng ban Thuế, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đề xuất: "Khi một danh nghiệp đàu tư vào Việt Nam họ sẽ nhìn tổng chi phí thuế mà họ phải chi trả, không phải chỉ riêng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tôi xin đề xuất nới lỏng các quy định về thuế suất lũy tiến, thuế thu nhập cá nhân. Thuế này tại Việt Nam đang khá cao so với các quốc gia khác".
"Sau khi quyết thuế hàng năm, doanh nghiệp sẽ đề xuất với cơ quan thuế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư danh mục đề nghị được hỗ trợ ví dụ những chi phí như hạ tầng cơ sở, tiền điện, tiền giao thông hỗ trợ cho công nhân viên…", bà Đào Thị Thu Huyền - Phó Tổng giám đốc Canon Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng cho thấy, ưu đãi thuế gần như xếp cuối trong danh sách các nhân tố cần cải thiện để thu hút đầu tư, với chỉ 28% doanh nghiệp thành viên quan tâm. Quan trọng hơn là cải thiện thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, thủ tục nhập cảnh và giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Ông Jean Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đánh giá: "Cải cách thủ tục hành chính là chìa khoá quan trọng để Việt Nam tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như nếu thời gian thị thực được kéo dài hơn nữa thì không chỉ thuận tiện hơn cho các nhà đầu thăm quan, làm việc, khảo sát, mà còn có lợi cho du lịch Việt Nam".
"Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc ở Việt Nam chưa bao giờ có một người có thẻ cư trú ở Việt Nam, mà đa số là thẻ tạm trú, visa", ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, muốn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ở phân khúc công nghệ cao hơn cần phải chuẩn bị sẵn tất cả những vấn đề về hạ tầng như hạ tầng xã hội, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực. Một điều rất quan trọng là phải xây dựng những doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực để sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.