Chung cư Zen Tower (loại hình nhà ở xã hội, giá rẻ) tại phường Thới An (quận 12, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG
Hiện nay giá các căn hộ mới trên thị trường hầu hết từ 2 tỷ đồng trở lên, vượt xa khả năng mua nhà của những người thu nhập thấp. Tìm giải pháp cho việc cung ứng nhà ở giá rẻ đang là vấn đề cấp bách.
Mặc dù Bộ Xây dựng luôn khẳng định quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhưng trên thực tế, nguồn cung phân khúc này không những không tăng mà ngày càng teo tóp. Thực tế đó khiến giấc mơ có nhà ở của nhiều người dân, đặc biệt là những gia đình trẻ trở nên xa vời. Vì sao nhà ở giá rẻ lại khó khăn như vậy?
Theo các chuyên gia BĐS, vai trò của Nhà nước vẫn chưa rõ nét trong việc triển khai nhà ở giá rẻ, từ việc quy hoạch cho đến các thủ tục, nguồn vốn để triển khai dự án. Sở dĩ phần lớn các doanh nghiệp BĐS vẫn thờ ơ với loại hình nhà ở này, là vì họ không được tạo điều kiện thuận lợi hơn so với thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông thường. Việc thu xếp vốn để đầu tư dự án nhà giá rẻ cũng rất khó khăn, trong khi lợi nhuận thấp hơn hẳn các loại hình nhà ở khác.
Thêm nữa, các thủ tục cho dự án nhà ở giá rẻ vẫn rườm rà không khác gì đối với các dự án nhà ở thương mại giá cao. Một số doanh nghiệp đã từng quan tâm, từng xông xáo ở phân khúc nhà ở giá rẻ, nhưng đến thời điểm này cũng cảm thấy nản. Theo các chuyên gia, việc lệch pha cung cầu với sự thiên lệch về phía các dự án nhà ở trung, cao cấp là chỉ dấu cho sự phát triển thiếu bền vững của thị trường BĐS. Chỉ khi nào nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho thuê đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, thì khi đó thị trường BĐS mới được coi là phát triển đúng hướng, và ngành xây dựng mới được coi là thực hiện tốt sứ mệnh chăm lo chỗ ở cho người dân.
Để thoát khỏi thế loay hoay trong việc phát triển nhà ở giá rẻ, mới đây, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết sắp tới, bộ sẽ có bước đột phá cho phân khúc này, bắt đầu từ việc thay đổi cơ chế chính sách. Cụ thể, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Dự kiến trong quý 3 năm nay, dự thảo sẽ trình Chính phủ. Nếu nghị quyết này ra đời, thị trường phát triển ổn định, hài hòa với sự gia tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên quan đang nghiên cứu để đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng tạo thuận lợi hơn trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định quyền sử dụng đất, mở rộng hình thức cho vay vốn tại ngân hàng nước ngoài để đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Đó là những thông tin rất đáng mừng.
Tuy nhiên, để sớm tác động đến thị trường, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan cần phải tích cực hơn nữa trong việc rút ngắn khoảng cách giữa xây dựng chính sách và thực tế, bởi người lao động thu nhập thấp đã phải chờ đợi quá lâu để hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở của mình.