Giải phóng hàng tồn: Tìm đúng kênh phân phối

Tình trạng buôn bán ế ẩm trong thời gian dài đã khiến hàng tồn kho của DN tăng cao. Tuy nhiên, nhiều DN đã vượt qua khó khăn bằng cách chủ động đưa hàng vào kênh phân phối nhằm khai thác nhu cầu tiêu dùng của nhiều đối tượng, cũng như tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng thông qua các cửa hàng phân phối sản phẩm trực tiếp.

Tình trạng buôn bán ế ẩm trong thời gian dài đã khiến hàng tồn kho của DN tăng cao. Tuy nhiên, nhiều DN đã vượt qua khó khăn bằng cách chủ động đưa hàng vào kênh phân phối nhằm khai thác nhu cầu tiêu dùng của nhiều đối tượng, cũng như tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng thông qua các cửa hàng phân phối sản phẩm trực tiếp.

Sức mua giảm mạnh

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, hiện chỉ số tồn kho của ngành chế biến và bảo quản rau quả tăng 132%, các sản phẩm từ plastic tăng 89%, xi măng tăng 52,3%, bao bì tăng 44%, chế biến bảo quản thủy sản tăng 32%… khiến nhiều DN không chỉ bị giảm sút đáng kể về tăng trưởng lợi nhuận mà còn không thu hồi được vốn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opMart, cho biết hiện nay sức mua tại các siêu thị có dấu hiệu giảm mạnh so với năm ngoái dù không ngừng đưa ra các chương trình khuyến mại, tặng quà, giảm giá để kích cầu mua sắm.

Theo một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) về tình hình bán hàng tại các chợ, có đến 80% DN tham gia khảo sát cho rằng hiện nay nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đang giảm mạnh, buôn bán ế ẩm kéo theo sự sụt giảm doanh số bán hàng 30-60% tùy theo ngành hàng.

Tại chợ Tân Bình, nhiều tiểu thương đã bỏ sạp do sức mua quá kém, không có lợi nhuận. Ở các chợ đầu mối khác như An Đông, Bình Tây cũng diễn ra tình trạng tương tự. Thống kê tại khu vực chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho thấy nhiều tiểu thương đã ngừng kinh doanh, trong đó khoảng 38/232 sạp bán hàng tạp hóa và 100/403 sạp bán hàng thực phẩm tươi sống đã đóng cửa do buôn bán ế ẩm.

Đa dạng kênh phân phối

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng giám đốc Công ty TDM chuyên bán lẻ tại Bình Dương, cho biết việc giải quyết hàng tồn của DN trong thời điểm này đang là vấn đề nóng, nhưng quan trọng là DN phải nhận ra kênh phân phối hợp lý. Hiện nay nhu cầu mua sắm ở các đô thị lớn đã giảm sút, nhưng nhu cầu về hàng bình dân giá rẻ của người có thu nhập thấp vẫn còn rất lớn nên DN có thể đưa hàng về những địa điểm này.

Vissan chi 150 tỷ đồng để cải tạo lại hệ thống phân phối. Ảnh: CAO THĂNG

Vissan chi 150 tỷ đồng để cải tạo lại hệ thống phân phối. Ảnh: CAO THĂNG

Thay vì hướng đến những khu đô thị ở các tỉnh, Công ty TDM đã hướng đến các khu công nghiệp và những nông trường cao su, vì đây là những địa điểm có đối tượng khách hàng đông và tập trung.

Theo đó, TDM đã kết hợp với một công ty đang sử dụng khoảng 10.000 lao động ở một khu công nghiệp lớn tại Bình Dương mở cửa hàng tiện lợi cung cấp hàng tiêu dùng, thực phẩm, quần áo…Hiệu quả bán hàng từ việc mở cửa hàng tiện lợi rất cao, mỗi ngày cửa hàng đạt doanh số khoảng 20 triệu đồng.

Sự sụt giảm sức mua đang buộc các nhà sản xuất, nhà phân phối phải nỗ lực làm mọi cách để bán được hàng. Chẳng hạn công ty Vissan chi 150 tỷ đồng cải tạo lại hệ thống phân phối nhằm gia tăng sức mua, khoảng 1.000 đại lý trên cả nước sẽ được sắp xếp và cơ cấu lại thành nhà phân phối.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, các chợ truyền thống hiện nay đã có sự thay đổi so với trước đây, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe, vì vậy các DN có thể tận dụng lợi thế, luôn cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng để xây dựng các cửa hàng mini, các điểm bán hàng tại các chợ, chắc chắn sẽ tạo được hiệu quả tốt.

Với ngành hàng thời trang, bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm (FOCI), cho rằng hiện nay các DN kinh doanh thời trang đang phải chịu phí thuê mặt bằng rất cao, nhất là ở khu vực trung tâm. Với chi phí từ 20.000-35.000USD/tháng tùy theo địa điểm, DN khó lòng hạ giá thành sản phẩm để hỗ trợ nhu cầu mua sắm.

Vì vậy, thay vì mở các cửa hàng mới, FOCI đang hướng đến hình thức bán hàng trực tuyến để giảm bớt áp lực về chi phí thuê mặt bằng và phần chi phí đó sẽ được đưa chiết khấu cho người tiêu dùng bằng cách hạ giá thành sản phẩm.

Nâng chất sản phẩm

Về việc mở cửa hàng bán lẻ riêng cho sản phẩm do DN làm ra, bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc Kinh doanh CTCP Chế biến thủy hải sản Liên Thành, chia sẻ: “Khi DN mở cửa hàng bán sản phẩm, người tiêu dùng sẽ thích thú hơn vì được mua hàng tận gốc và cảm thấy an tâm về chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, khi tình hình kinh doanh khó khăn, Liên Thành cũng đã gắn kết chặt chẽ hơn và tăng chiết khấu với các cửa hàng bán lẻ để sản phẩm được trưng bày trên các kệ hàng và được nhân viên cửa hàng quan tâm tư vấn đến người tiêu dùng nhiều hơn.

Trong bối cảnh cạnh tranh, Công ty Liên Thành cũng đã nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm mới như nước mắm chay làm từ quả dứa để tạo sự khác lạ thu hút những người ăn chay”.

Song song đó, ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc CTCP Cao su Miền Nam (Casumina), cho biết để bán được hàng trong bối cảnh sức mua giảm, DN phải tuân thủ khắt khe những tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và nghiên cứu đưa ra mức giá hợp lý để thu hút khách hàng. Khi thị trường khó khăn, sự liên kết sẽ mang lại kết quả bán hàng tốt hơn so với kinh doanh riêng lẻ.

Chẳng hạn như các hệ thống cửa hàng phân phối của Casumina, ngoài bán sản phẩm của công ty còn hợp tác với các DN khác để nhận cung cấp thêm các sản phẩm dầu nhớt, phụ tùng cho các loại xe. Khi có thể tìm thấy đầy đủ những sản phẩm liên quan tại một cửa hàng, khách hàng sẽ cảm thấy tiết kiệm được thời gian và luôn yên tâm vì mua được những sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Các tin khác