Bộ Tư pháp vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm nhằm giải quyết các bất cập trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.
![]() |
Trước đây, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cách thức xử lý tài sản bảo đảm, các NHTM, tổ chức, cá nhân gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện. Bởi việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan (thái độ hợp tác của bên bảo đảm hoặc bên giữ tài sản bảo đảm; sự hỗ trợ từ phía các cơ quan có thẩm quyền...).
Do đó, tuy đã được pháp luật thừa nhận, nhưng trên thực tế bên nhận bảo đảm chưa được quyền chủ động khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm theo quy định và theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo đảm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, gây rủi ro cho bên nhận bảo đảm.
Ngoài ra, để có thể xử lý được tài sản bảo đảm và thu hồi nợ, bên nhận bảo đảm thường phải lựa chọn con đường tố tụng (khởi kiện tại tòa án), mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của bên nhận bảo đảm.
Vì thế, Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm lần này nhằm mục tiêu xây dựng các quy định pháp luật chi tiết, cụ thể về cơ chế, cách thức xử lý tài sản bảo đảm, cụ thể các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, đồng thời tạo thuận lợi cho các NHTM trong việc chủ động xử lý tài sản bảo đảm, hoàn thiện quy trình, chính sách quản lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm trong nội bộ, giúp hạn chế nợ xấu, tăng khả năng thanh khoản của tài sản bảo đảm, tạo sự ổn định trong hoạt động tín dụng.
Theo đó, dự thảo Thông tư liên tịch tập trung giải quyết những điểm nghẽn trong quá trình này phù hợp với các quy định tại văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Chẳng hạn, một trong những khó khăn hiện nay của người mua, người nhận tài sản bảo đảm là thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm chưa thực sự nhanh chóng, thuận lợi.
Trong nhiều trường hợp, dù đã xử lý xong tài sản bảo đảm, nhưng việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng không thực hiện được do tài sản thế chấp thuộc diện phải đăng ký có sự thay đổi so với mô tả trong hợp đồng thế chấp, hoặc do sự thiếu hợp tác của bên bảo đảm (bên bảo đảm không ký vào hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm).
Dự thảo Thông tư hướng dẫn: Trường hợp bên bảo đảm không ký vào hợp đồng chuyển nhượng, mua bán tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm được quyền ký vào hợp đồng này.
Hồ sơ chuyển quyền sở hữu phải có hợp đồng bảo đảm có nội dung ủy quyền bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm hoặc hợp đồng ủy quyền bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm của bên bảo đảm cho bên nhận bảo đảm.