Giải quyết “tồn kho thể chế”

Tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại thành phố biển Nha Trang, các chuyên gia kinh tế đều có chung tâm trạng không vui về diễn biến kinh tế vĩ mô những năm qua.

Tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại thành phố biển Nha Trang, các chuyên gia kinh tế đều có chung tâm trạng không vui về diễn biến kinh tế vĩ mô những năm qua.

Bất ổn kéo dài nhiều năm khiến nền kinh tế đang rất khó khắc phục những hậu quả của nó gây ra. Vòng xoáy lạm phát - giảm phát - lạm phát vẫn hiển hiện khi tổng cầu nền kinh tế lúc quá mạnh, lúc quá yếu không theo sự điều hành của chính sách.

Ngay trước thềm diễn đàn, báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố, cũng đưa ra một số nhận định đáng chú ý.

Theo báo cáo, tăng trưởng GDP trong 5 năm (2007-2011) đạt 6,5%, thấp hơn so với 5 năm trước đó (2002-2006) 7,8%. Nguyên nhân được đưa ra do giai đoạn 2007-2011 khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra đúng thời điểm Việt Nam tham gia WTO nên bị tác động rõ rệt. Kết quả nghiên cứu cũng cho rằng, hội nhập sâu hơn nên khi giá nguyên liệu thế giới tăng cao trong các năm 2008, 2010 và 2011, đã tác động mạnh và nhanh hơn đến nền kinh tế, tạo sức ép lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên nhân khách quan bên ngoài. Nếu nhìn nhận một cách sòng phẳng, có thể thấy sự suy giảm tăng trưởng những năm qua có nguyên nhân sâu xa từ yếu kém và hạn chế của nội tại nền kinh tế.

Trong điều hành kinh tế, chính sách là yếu tố quan trọng có tương tác mạnh mẽ đến các yếu tố khác. Từ năm 2000 đến trước khi gia nhập WTO, chính sách thúc đẩy tăng trưởng cao dựa vào mở rộng đầu tư với hiệu quả không cao ở mức độ nhất định, đã tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô giai đoạn sau đó.

Sự lúng túng và không nhất quán giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ để xử lý các bất ổn vĩ mô các năm 2008-2010 cũng gây ảnh hưởng nhất định đến lạm phát và tăng trưởng. Chính sách đưa ra thường thay đổi khá đột ngột: thắt chặt chính sách tài khóa tiền tệ khi xuất hiện áp lực lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô; nhưng ngay khi lạm phát hạ nhiệt thì quay trở lại nới lỏng chính sách để chống nguy cơ suy giảm kinh tế.

Trong khi đó, vấn đề ổn định nền tảng của kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng chất lượng, hiệu quả hơn không được chú trọng. Tại diễn đàn trên với chủ đề “Tái cơ cấu kinh tế - Một năm nhìn lại”, một số diễn giả nói quá trình tái cơ cấu đã được đặt ra cách đây 5 năm, nhưng đến nay vẫn đang loay hoay chưa thu được kết quả rõ rệt.

Nếu trong 5 năm tới, chủ trương này không được tiến hành quyết liệt, khả năng Việt Nam rơi vào “bẫy tăng trưởng trung bình” như cảnh báo của một số định thế tài chính quốc tế là hiển hiện.

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nêu một khái niệm mới như là căn nguyên cơ bản của sự ì ạch quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đó chính là "tồn kho thể chế", khi có quá nhiều thể chế lạc hậu không được sửa. Một thí dụ được đưa ra là tính độc lập của Ngân hàng Trung ương - yếu tố quan trọng để kiềm chế lạm phát, dù đã được kiến nghị nhiều nhưng chưa được xem xét.

Những đạo luật quan trọng là nền tảng cho kinh tế thị trường vận hành thông suốt như Luật Đất đai, Bộ luật Lao động... chậm được sửa đổi dù có rất nhiều tồn tại, bất cập.

Bên cạnh đó, vấn đề mấu chốt để tái cơ cấu nền kinh tế là phải có chính sách phân bổ lại hệ thống nguồn lực theo hướng chất lượng, hiệu quả hơn. Nhưng thực tế cho đến nay về mặt quan điểm vẫn chưa thực sự thống nhất chứ chưa nói đến chính sách cụ thể. Như quan điểm về vị trí, vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhiều chuyên gia cho rằng cải cách là không nên đề cao vai trò chủ đạo, mà phải đặt DNNN vào kỷ luật thị trường, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình.

Trong khi đó, ở các cơ quan quản lý xây dựng chính sách về cải cách DNNN, dù đồng tình về sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế là một động lực của cạnh tranh, nhưng tư duy về vai trò chủ đạo của khu vực này trong nền kinh tế vẫn còn rất rõ.

  Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm nay. Nhưng nếu không có sự đổi mới tư duy thực sự ở cấp cao, tình trạng “tồn kho thể chế” sẽ còn tồn tại.

Và khi đó, những cụm từ như “quyết tâm”, “quyết liệt” vẫn chỉ nằm trong các bản đề án hoặc diễn đàn, hội thảo về tái cơ cấu kinh tế chứ không đi vào thực tế.

Các tin khác