Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2019, Chính phủ đã thống nhất gia hạn miễn thị thực cho công dân các nước: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Belarus khi nhập cảnh Việt Nam đến ngày 31-12-2022. Những lo lắng về sự thiếu hụt nguồn khách quốc tế đến từ các thị trường tiềm năng đã được giải tỏa.
Du khách ghi lại những khoảnh khắc đẹp của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chia sẻ về việc tháo gỡ vướng mắc trong rào cản thị thực, một trong những điểm được cho là có tính cạnh tranh yếu của du lịch Việt Nam, ông Kenneth Atkinson, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch, khẳng định: Lợi ích mang lại rất lớn, nên nhiều nước đã thực hiện và ủng hộ chính sách miễn visa. Cũng theo chuyên gia này phân tích thì việc miễn visa cho công dân đến từ một số nước châu Âu có thể góp phần tăng tỷ lệ du khách từ thị trường này tăng 20%, doanh thu du lịch cũng sẽ tăng lên 150 triệu USD.
Câu chuyện rào cản visa từng được nhắc đi nhắc lại, bởi nó là một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ tiêu miễn thị thực của chúng ta hiện nay đã vào loại thấp trong khu vực. Việc thu hút khách khó khăn, vì thế, mỗi tác động nhỏ trong chính sách miễn visa không chỉ tác động tới ngành du lịch mà còn tác động tới nhiều ngành khác liên quan như: giao thông, hàng không, thu nhập của cộng đồng địa phương, ảnh hưởng đến việc làm của người dân…
Các chuyên gia du lịch cũng nhiều lần khuyến nghị việc nên bỏ tư duy “có đi có lại” trong chính sách miễn visa. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam mới miễn visa cho 24 thị trường, trong khi Thái Lan - một trong số các quốc gia xếp dưới về miễn thị thực cũng thực hiện miễn đơn phương cho hơn 60 quốc gia. Trong khi xu hướng của du lịch thế giới là nhắm tới các dòng khách có khả năng chi tiêu cao thì khuyến nghị của các chuyên gia du lịch về việc miễn thị thực đơn phương như: Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ... là rất nên cân nhắc.
Việt Nam được thế giới đánh giá là giàu tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa nhưng khai thác chưa hiệu quả nên khách quốc tế vẫn chưa cán mốc 20 triệu lượt - còn khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia. Việc tháo rào cản về visa trong thời gian qua đã góp một phần tích cực trong việc cải thiện chỉ số tăng trưởng của du lịch Việt Nam. Song, vẫn cần có thêm những giải pháp mang tính ổn định, dài hơi hơn nữa như: mở rộng đối tượng miễn visa, kéo dài thời gian tạm trú (từ 15 lên 30 ngày), cải thiện an ninh mạng và tốc độ truy cập trang web chính thức xin thị thực điện tử (Campuchia, Malaysia tốc độ truy cập nhanh hơn ta 3-4 lần)...
Nếu được như vậy thì sẽ không còn những lo lắng mỗi khi thời gian hạn miễn visa sắp hết hiệu lực và đó sẽ là dấu hiệu tích cực để tăng trưởng du lịch, cải thiện về số lượng và doanh thu từ nguồn khách quốc tế.