Giải tỏa yêu cầu DN FDI

Thực hiện chủ trương của UBND TPHCM về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ngày 24-3, Diễn đàn Đối thoại Chính quyền - DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được tổ chức tại TPHCM với mục đích giúp khối DN này kịp thời tiếp cận với các chính sách và thông tin cập nhật liên quan đến việc cấp phép đầu tư, lao động, thuế và hải quan.

Thực hiện chủ trương của UBND TPHCM về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ngày 24-3, Diễn đàn Đối thoại Chính quyền - DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được tổ chức tại TPHCM với mục đích giúp khối DN này kịp thời tiếp cận với các chính sách và thông tin cập nhật liên quan đến việc cấp phép đầu tư, lao động, thuế và hải quan.

Thủ tục nặng nề, chồng chéo

Đại diện Pizza Hut cho biết hiện đang có hơn 20 cửa hàng thức ăn nhanh tại TPHCM. Tuy nhiên, tại Hà Nội, thủ tục mở cửa hàng lại quá nhiêu khê, phải mất khoảng 4 tháng để xin giấy phép mở một cửa hàng bán thức ăn nhanh tại các trung tâm thương mại. “Hồ sơ pháp lý đã quá đầy đủ, luôn được chứng minh mỗi khi lập chi nhánh, nhưng trong quá trình giải quyết thủ tục tại Hà Nội lại cứ bắt chứng minh năng lực, báo cáo tài chính từ công ty mẹ” - đại diện Pizza Hut, than thở.

Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam, chia sẻ trong quá trình đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia xé rào là do luật pháp còn nhiều kẽ hở. Hệ thống luật pháp còn chồng chéo, mâu thuẫn, chỉ một quy định nhưng mỗi luật hoặc văn bản dưới luật lại thể hiện một cách rất khác nhau, khiến nhà đầu tư nước ngoài rất lúng túng. Do vậy, Việt Nam nên có một đạo luật chung dẫn dắt các luật khác, làm cơ sở quy chiếu mới tạo được điều kiện thuận lợi và một môi trường đầu tư thông thoáng tốt nhất.

 Luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương, Công ty Baker & McKenzie's, cho biết Luật DN quy định chi nhánh của một công ty có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh như công ty mẹ; các chi nhánh của công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng có chức năng đó. Mặc dù Luật DN không có thay đổi gì trong 2 năm gần đây, nhưng một số cơ quan quản lý cho rằng chỉ có các chi nhánh của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư mới có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh của công ty mẹ tại Việt Nam, còn các chi nhánh khác chỉ được thực hiện các hoạt động như văn phòng đại diện mà thôi. Cách diễn giải như vậy đang tạo ra sự không thống nhất, không rõ ràng, vô hình trung tạo ra nhiều phức tạp cho các công ty cả trong và ngoài nước đối với việc thành lập chi nhánh.

Cải thiện môi trường đầu tư

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng những rắc rối, phiền hà trong quá trình cấp phép đầu tư bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Chẳng hạn như chờ lấy ý kiến từ các bộ, ngành liên quan; thêm nhiều thủ tục mới qua từng giai đoạn; thiếu các quy định cụ thể và không có sự thống nhất giữa các bộ luật với nhau…

Điều này đang làm hạn chế việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay. Trong một số dự án, việc lấy ý kiến từ các bộ, ngành Trung ương đến các cơ quan chính quyền địa phương làm mất khá nhiều thời gian, câu trả lời thường chung chung và có nhiều ý kiến rất khác nhau. Vì vậy, theo ông Hà, thủ tục giải quyết cho DN thời gian tới chỉ xin ý kiến bộ lúc cần thiết, công khai xử lý hồ sơ trên internet, cấp giấy chứng nhận đầu tư tại nhà, giảm bớt thủ tục.

Sản xuất dây truyền lực cho hộp số ô tô tại Công ty Bosch Việt Nam.

Sản xuất  dây truyền lực cho hộp số ô tô tại Công ty Bosch Việt Nam.

Hồ sơ sẽ được quản lý từ khi tiếp nhận đến khi nhận giấy chứng nhận đầu tư. Toàn bộ quá trình xử lý này khi chuyên viên thao tác trên máy sẽ được tự động gửi email đến nhà đầu tư. Kể từ ngày 24-3-2014, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM sẽ đề nghị các nhà đầu tư cung cấp địa chỉ email để nhận thông tin về tình trạng giải quyết hồ sơ.

“Trong tương lai, chúng ta nên tiến hành nghiên cứu việc cấp một mã số duy nhất cho mỗi nhà đầu tư, ở đó sẽ có đầy đủ thông tin cần thiết nhất về nhà đầu tư, chứ không phải cái gì cũng phải thể hiện trên giấy, đến khi đi làm thủ tục nhà đầu tư phải vác cả một đống giấy tờ theo. TP đang nghiên cứu thiết lập việc cấp giấy phép kinh doanh qua mạng, xây dựng trang web giải quyết mọi thủ tục cho nhà đầu tư để giảm thiểu tối đa thời gian đi lại của nhà đầu tư. Các địa phương khác cũng cần làm như thế nhà đầu tư sẽ an tâm hơn, đỡ tốn kém hơn” - ông Hà, nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, một trong những nội dung được quan tâm hiện nay khi lấy ý kiến DN về Luật Đầu tư sửa đổi là nên hay không nên bỏ giấy chứng nhận đầu tư. Bộ đã tổ chức 3 cuộc hội thảo lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, ý kiến của các DN cũng rất trái chiều. Có DN đồng tình bỏ giấy phép, nhưng cũng có DN muốn có giấy phép này để được hưởng những ưu đãi về đầu tư.

“Giấy phép cũng là căn cứ để thuê đất, vay vốn ngân hàng và nhiều việc khác. Nhưng quan điểm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư là bỏ giấy phép này, trừ 4 lĩnh vực cần giữ giấy phép: các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, như thành lập ngân hàng; liên quan đến đất đai, sử dụng hàng trăm ha; hoạt động sản xuất có tác động lớn đến môi trường; DN cần giấy phép để có ưu đãi đầu tư.

“Để cải thiện môi trường đầu tư, bỏ giấy chứng nhận đầu tư chỉ là một nội dung, còn rất nhiều nội dung Chính phủ đang nỗ lực cải thiện, chẳng hạn thuế thu nhập DN từ 1-1-2016 sẽ trở về 20%, thay vì 25% như trước đây và 22% như vừa qua. 4 lĩnh vực ưu đãi cũng được giảm xuống 17%. Những thủ tục khác đều có thể giảm bớt, minh bạch hóa hơn, yêu cầu của các DN sẽ được giải tỏa rất nhiều” - Bộ trưởng Vinh cho biết.

Các tin khác