Ùn tắc giao thông làm trì trệ sự phát triển, giảm thiểu tính hiệu quả trong công việc và cuộc sống, gây ra nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe, lãng phí thời gian, tiền bạc, năng lượng.
Vì vậy, giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông luôn được quan tâm hàng đầu trong những chính sách phát triển của các thành phố. Các biện pháp giải vấn nạn trên của Thủ đô Bangkok (Thái Lan) có thể là một kinh nghiệm để TPHCM tham khảo và học hỏi.
Thủ đô Bangkok có nhiều tiềm năng về du lịch, kinh tế, chính trị của Thái Lan và khu vực. Từ những năm 90, bùng nổ kinh tế ở Bangkok đã dẫn theo nhiều hệ lụy về các mặt của xã hội, nhà ở, giao thông và các vấn nạn khác.
Sự gia tăng nhanh chóng số lượng xe hơi, phương tiện cá nhân, là một trong những nguyên nhân chính làm tình trạng kẹt xe ngày càng tồi tệ hơn tại khu trung tâm.
Theo thống kê, trong khoảng 10 năm (1980-1990) số xe hơi tại Bangkok tăng gấp 5 lần từ 500.000 xe lên 2,5 triệu xe. Ùn tắc giao thông gây cản trở trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và làm suy giảm sức khỏe và môi trường sống của người dân.
Chính phủ Thái Lan đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính lâu dài để giải quyết vấn nạn này. Đầu tiên, các nhà lãnh đạo Thái Lan chi ngân sách khổng lồ để mở rộng hệ thông đường sá. Tuy nhiên việc tăng diện tích giao thông vẫn không phải là giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để tình trạng kẹt xe bởi nó lại khuyến khích gia tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân và tình trạng giao thông càng tồi tệ hơn.
Chính quyền Bangkok đã phát triển hệ thống xe điện ngầm (MRT), đưa vào hoạt động từ tháng 4-2004 với kinh phí 2,75 tỷ USD. Hệ thống xe điện ngầm ở Bangkok dài 21km, có 18 trạm dừng và nối kết với hệ thống giao thông trên không (skytrain) tại 3 điểm. Hệ thống metro của Bangkok phục vụ cho hơn 200.000 hành khách mỗi ngày và đã giải quyết rất lớn nhu cầu đi lại của người dân Bangkok trong khu trung tâm.
![]() |
Đường cao tốc chạy xuyên qua cao ốc ở Osaka, Nhật Bản (ảnh minh họa). |
Sau đó, tháng 12-2005 Bangkok triển khai hệ thống giao thông trên không. Tuy nhiên, do mức đầu tư của dự án quá cao 1,8 triệu USD (gấp đôi so với cùng hệ thống của Manila ở Philippines) làm tăng giá vé cao gấp 3 lần so với đi xe buýt, khiến lượng hành khách dự kiến ban đầu là 680.000 người/ngày nhưng thực tế chỉ còn 105.000 người/ngày.
Ngoài việc giá vé cao, hệ thống giao thông trên không chỉ kết nối tốt với các hệ thống giao thông khác tại trung tâm Bangkok còn vùng ngoại ô chưa thuận tiện và không kết nối với các hệ thống khác nên nhiều hành khách quay lưng.
Cũng giống Bangkok, TPHCM đang dần trở thành một trong những trung tâm kinh tế của khu vực. Và vấn nạn giao thông: kẹt xe, quá tải phương tiện giao thông công cộng, lượng xe hơi và xe máy ngày càng tăng nhanh cũng đang là vấn đề bức thiết của TPHCM.
Với những kinh nghiệm của Bangkok, TPHCM có thể triển khai đồng bộ một số giải pháp giúp phát triển giao thông một cách ổn định và bền vững. Trước mắt, TPHCM cần hoàn chỉnh và sớm đưa vào sử dụng quy hoạch giao thông tổng thể và tầm nhìn tới năm 2050. TPHCM hiện đã có quy hoạch 5 tuyến metro nối kết khu vực trung tâm với các vùng ngoại ô.
Tuy nhiên, việc triển khai thi công vẫn chưa được thực hiện vì nhiều vướng mắc về mặt kỹ thuật, pháp lý đất, kinh phí đầu tư lớn… Nhưng việc phát triển hệ thống metro là cần thiết và phải được triển khai sớm, giúp cải thiện hạ tầng giao thông.
Song song đó, TPHCM nên phát triển hệ thống giao thông công cộng càng sớm càng tốt. Hệ thống giao thông công cộng của TPHCM hiện chỉ đơn thuần là xe buýt với các lộ trình được thiết kế từ lâu, nhiều tuyến không còn phù hợp.
Vì vậy cần tăng số lượng xe buýt, tuyến đường, chất lượng phục vụ để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân. Về mặt lâu dài, TPHCM nên đa dạng hóa hệ thống giao thông công cộng bằng các phương tiện khác ngoài hệ thống xe buýt như: xe điện ngầm, tàu một ray (monorail)...
Bên cạnh những giải pháp phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các cơ quan chức năng cần có chính sách hạn chế nhập khẩu xe hơi, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thay thế. TPHCM đang có khoảng 8 dự án bãi đậu xe ngầm đã được phê duyệt và cấp phép.
Các dự án này trong ngắn hạn có thể giải quyết tạm thời về việc thiếu bãi đậu xe tại trung tâm. Tuy nhiên về lâu dài, những dự án trên càng khuyến khích xe cộ lưu thông ra vào trung tâm thành phố nhiều hơn khiến bị quá tải. Vì vậy, các sở ban ngành cần cân nhắc về việc quy hoạch và cấp phép bãi đậu xe, nhất là tại khu trung tâm thành phố.
Năm nay được Chính phủ chọn là “Năm An toàn Giao thông Quốc gia 2012”. Việc ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân TPHCM nói riêng và của cả nước nói chung còn rất thấp.
Vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra đặc biệt vào những giờ cao điểm càng trở nên tồi tệ hơn. Việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông từ các cấp chính là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu tình trạng này.
-------
Tài liệu tham khảo:
1. Yordphol Tanaboriboon - Bangkok Traffic- 1993
2. Kanchit Pianuan,Mingsarn Santikarn Kaosa-ard, Piyanuch Pienchob - Bangkok Traffic Congestion: Is There a Solution – 1994
3. BBC News – BKK to combat traffic jam- 21/12/2011
4. http://www.railway-technology.com/projects/bangkok/ - Bangkok Skytrain Transit system, Thailand
5.Kotue SHIBATA - Social costs of traffic congestion in developing metropolises