Giảm 2% thuế VAT có đủ sức kích cầu tiêu dùng?

(ĐTTCO) - Từ ngày 1-7, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) chính thức có hiệu lực. Chính sách này được đánh giá giúp kích cầu tiêu dùng và tiếp sức doanh nghiệp nhưng vẫn còn không ít người băn khoăn về tác động thực trong 6 tháng tới.
Việc giảm thuế GTGT 2% là cần thiết, nhưng chưa thể kích cầu tiêu dùng.
Việc giảm thuế GTGT 2% là cần thiết, nhưng chưa thể kích cầu tiêu dùng.

Ít tác động DN nhỏ

Ngày 30-6, Chính phủ ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm Thuế VAT theo Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội. Theo nghị định này, hầu hết hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất Thuế VAT 10% được giảm còn 8%, thời gian áp dụng từ 1-7 đến 31-12-2023.

Theo phân tích, khi giảm 2% Thuế VAT đối tượng được hưởng lợi đầu tiên và trực tiếp là người tiêu dùng. Vì Thuế VAT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do đó khi giảm thuế giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa dịch vụ hơn với cùng một lượng tiền.

Đối tượng thứ 2 hưởng lợi là DN. Khi người dân tăng tiêu dùng sẽ kích thích DN sản xuất. Chưa hết, do Thuế VAT là loại thuế gián thu, được thu thông qua người bán (DN), nên khi giảm từ 10% xuống 8% DN sẽ được giảm tiền vốn chi ra để trả tiền Thuế VAT ở các khâu đầu vào khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn. Có nghĩa DN tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) tổng doanh số mua vào của mình.

Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế không ít người tiêu dùng chưa cảm nhận được tác động của việc giảm 2% thuế VAT. Chị Thu Hương (quận 12, TPHCM) cho biết, chị không thường mua sắm ở siêu thị hay trung tâm thương mại, cũng ít đi ăn uống ở nhà hàng nên không quá quan tâm đến chính sách này. Ngay với những người thường mua sắm ở siêu thị hay trung tâm thương mại, chỉ cảm nhận rõ khi phải thanh toán số tiền lớn, nhưng điều này không phổ biến trong bối cảnh người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu hiện nay.

“Từ đầu năm đến nay giỏ hàng khi đi siêu thị của tôi chủ yếu là thực phẩm thiết yếu với chi phí không quá lớn, nên Thuế VAT giảm 2% cũng không tác động nhiều” - chị Hoài Phương (quận Tân Bình) chia sẻ.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc MeetMore (chuyên sản phẩm cafe nông sản), cho rằng việc giảm 2% Thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ không có tác động nhiều, nhất là với DNNVV. Ông Luận giải thích, năm ngoái khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường vẫn còn cao, người tiêu dùng vẫn mạnh tay mua sắm, giảm 2% VAT mang lại nhiều hiệu ứng tốt. Nhưng năm nay người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, nhu cầu mua sắm giảm nên tác động kích thích mua sắm khi giảm thuế không lớn.

Trong bối cảnh các DN đang rất khó khăn, thời gian giảm 2% thuế VAT chỉ 6 tháng quá ngắn, chưa kể một số ngành như bất động sản không được hưởng chính sách này. DN mong mỏi chính sách có thể kéo dài đến hết năm 2024.

LS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA

Với DN có thể tiết kiệm được chi phí đầu vào khi giảm thuế, nhưng đó là với DN lớn, còn DN nhỏ ít tác động. Chưa kể thời gian qua giá nguyên vật liệu liên tục tăng nên giảm 2% VAT cũng không cảm nhận rõ. “Nên phân chia nhóm DN để đưa ra chính sách, thay vì cứ “đổ đồng” như hiện nay chỉ DN lớn được hưởng” - ông Luận chia sẻ.

Cần bổ sung thêm hướng dẫn

Mặc dù đây là lần thứ 2 áp dụng chính sách giảm 2% Thuế VAT, nhưng trên một số diễn đàn thuế vẫn có khá nhiều câu hỏi được đưa ra, cho thấy không ít DN vẫn còn lúng túng khi triển khai áp dụng chính sách này.

Chia sẻ về điều này, LS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV, cho biết một số DN còn thắc mắc do chưa tìm hiểu kỹ thông tin được các cơ quan chức năng cung cấp. Bởi chính sách này đã áp dụng từ năm 2022, nên những khó khăn phát sinh khi thực hiện ngành thuế và cả DN đã cơ bản nắm được. Ngay cả vấn đề thuế đầu vào và đầu ra hóa đơn trước và sau ngày 1-7 cũng được ngành thuế hướng dẫn. Chưa hết, năm nay DN còn có cả tháng tiếp nhận thông tin và chuẩn bị trước khi chính sách được áp dụng, nên nói bị động cũng không chính xác.

Song ông Nghĩa cũng cho biết, còn một vài vấn đề từ năm ngoái đến nay chưa có giải đáp chính xác từ cơ quan có thẩm quyền đã làm khó DN và rất cần bổ sung hướng dẫn. Theo đó, với các sản phẩm cụ thể nằm trong diện giảm hay không giảm thuế đều có hướng dẫn. Nhưng với sản phẩm dây và cáp điện, nhiều DN có hỏi từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác từ Bộ Tài chính.

Một số ý kiến cũng cho rằng cần có hướng dẫn rõ hơn về nguyên tắc xác định tỷ lệ nguyên vật liệu cho một số sản phẩm, hàng hóa, từ đó biết rõ có nằm trong diện được hưởng chính sách hay không, để giảm phiền hà cho DN và ngành thuế.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến góp ý với Bộ Tài chính trong việc thực hiện giảm Thuế VAT: nếu không có hướng dẫn cụ thể sẽ tác động tới quản lý giá một số loại hàng hóa, dịch vụ cũng như gây lúng túng cho DN. Theo đó, khi Thuế VAT giảm từ 10% xuống 8%, DN đã kê khai giá, đăng ký giá (đã bao gồm thuế) không biết có cần giảm giá tương ứng với phần giảm thuế 2% không, DN có cần làm thủ tục kê khai, đăng ký giá đã điều chỉnh không...

Theo VCCI để tránh rủi ro, lúng túng cho các DN trong việc phân loại hàng hóa, dịch vụ được giảm Thuế VAT 2%, nên sử dụng bảng phân loại hàng hóa nhập khẩu theo pháp luật hải quan, làm cơ sở để xây dựng các phụ lục của dự thảo nghị định, thay vì danh mục hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.

Đáng chú ý, về danh mục hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm Thuế VAT, theo ghi nhận việc giảm thuế này gặp một số khó khăn, vướng mắc như cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm Thuế VAT.

Nhiều trường hợp 2 DN mua bán hàng hóa với nhau nhưng không thống nhất được áp dụng thuế suất 8% hay 10%, khiến hợp đồng không thể thực hiện được. Bản thân cơ quan thuế, hải quan cũng lúng túng trong việc phân loại hàng hóa, dịch vụ để áp dụng.

Thậm chí, VCCI cho rằng điều này còn gây nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực khi DN bị thanh kiểm tra do cơ quan nhà nước có thể diễn giải quy định theo nhiều cách khác nhau. Các DN vì đó không biết mình thực hiện đúng hay sai.

Các tin khác