Giảm giá, giảm chất lượng?

Thời điểm khó khăn, để thu hút khách hầu hết công ty du lịch đều đưa ra các chương trình giảm giá lớn với tên gọi tour kích cầu.

Cùng với sự chung tay của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjetair các hãng lữ hành đã mạnh tay đưa ra những mức khuyến mại “khủng”, giảm giá 30%, 40% thậm chí tới 60% cho tour trọn gói nhằm kích thích người dân đi du lịch. Song, có một thực tế đang khiến không ít du khách băn khoăn là giá tour giảm có kéo theo chất lượng giảm hay không?

Những kiểu tour đi rạng sáng về nửa đêm nếu được giải thích kỹ lưỡng còn có thể thông cảm, nhưng những kiểu “ăn gian” bớt ngày tour như của một hãng lữ hành có tiếng tại TPHCM e rằng khách sẽ khó chấp nhận.

Cụ thể, khách mua tour kích cầu được giảm giá 30% nhưng trong tour 4 ngày 3 đêm của hãng thì chiều tối ngày đầu tiên mới khởi hành và rạng sáng ngày thứ 4 đã về tới TP, tức tour chỉ còn 3 ngày 3 đêm.

Cũng nằm trong tour kích cầu, không ít hãng còn yêu cầu khách phải tự chịu một số chi phí đi kèm như những bữa ăn trưa/tối trên máy bay. Thậm chí có những tour kích cầu khách đã mua nhưng vẫn bị hãng thay đổi lịch trình.

Hành khách than phiền khi thấy lịch trình, một số dịch vụ đi kèm (bữa ăn chính, điểm tham quan) đã bị các hãng lữ hành cắt bớt. Còn phía các công ty lữ hành cũng đưa ra những lời giải thích hợp lý cho riêng mình.

Giám đốc một công ty lữ hành phân trần khi tham gia tour kích cầu hành khách nên đọc kỹ thông tin ràng buộc mà công ty đính kèm, nếu cần thiết có thể nhờ nhân viên tư vấn kỹ càng hơn, tránh trường hợp đi rồi lại nghĩ mình bị lừa.

Ông cũng giãi bày, việc để khách phải đi vào những thời điểm không thuận lợi do hàng không sắp lịch bay, công ty không chủ động được. Chưa kể, trong khi hãng lữ hành đưa ra các chương trình giảm giá, những đối tác như vận chuyển, ăn uống lại từ chối hợp tác.

Ông Tôn Thất Hòa, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch TPHCM (HTA), cho biết nhiều chương trình kích cầu, giảm giá tour du lịch không nhận được sự hưởng ứng của DN dịch vụ ăn uống và vận tải. Theo đó, khi HTA gửi thông báo chương trình kích cầu tới, các DN kinh doanh khách sạn hứa sẽ giảm giá phòng 15-20%.

Trong khi đó, một số DN dịch vụ vận tải và ăn uống không hồi âm, thậm chí không đồng ý giảm giá. Họ giải thích giá xăng dầu, thực phẩm đều tăng nên không thể giảm giá suất ăn cho du khách được.

Như vậy, các hãng lữ hành đang nỗ lực đơn phương trong việc giảm giá để kích cầu du lịch? Nhìn sang Thái Lan, khi nước này bất ổn về chính trị, lập tức một chương trình mang tên “Thái Lan xin lỗi” cùng với chính sách một giá cho tất cả các điểm đến được nhanh chóng tung ra để thu hút khách.

Đã đến lúc cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng. Bởi du lịch không chỉ cần kích cầu trong 1 mùa mà còn rất nhiều dịp khác cần thu hút du khách trong và ngoài nước.

Khi du khách ngày càng khó tính hơn trong lựa chọn, các hãng lữ hành nói riêng và ngành du lịch nói chung cần phải giữ uy tín hơn. Đừng bao giờ để điệp khúc “giá giảm, chất lượng giảm” được ca lên trong mỗi mùa kích cầu du lịch. 

Các tin khác