Giám sát các giao dịch đảm bảo bằng luật

Vi phạm cho vay có giao dịch bảo đảm (GDĐB) ngày càng báo động ở các tổ chức tín dụng (TCTD). Không chỉ cán bộ tín dụng, trưởng phòng mà cả các giám đốc TCTD liên tục bị phát hiện và khởi tố. Chính vì vậy, ngày 13-11, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về GDĐB, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về GDĐB, đăng ký GDĐB phục vụ sự phát triển bền vững của nền kinh tế và trật tự an toàn xã hội.

Vi phạm cho vay có giao dịch bảo đảm (GDĐB) ngày càng báo động ở các tổ chức tín dụng (TCTD). Không chỉ cán bộ tín dụng, trưởng phòng mà cả các giám đốc TCTD liên tục bị phát hiện và khởi tố. Chính vì vậy, ngày 13-11, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về GDĐB, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về GDĐB, đăng ký GDĐB phục vụ sự phát triển bền vững của nền kinh tế và trật tự an toàn xã hội.

Xây dựng Luật đăng ký GDĐB

Trong những năm qua, pháp luật về GDĐB đã từng bước được hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả trong thực tế, góp phần tạo lập hành lang pháp lý an toàn cho quá trình luân chuyển dòng vốn, từ đó hạn chế tranh chấp, giúp nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và duy trì sự ổn định của nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số tồn tại trong lĩnh vực này như số lượng các trường hợp rủi ro khi cho vay có bảo đảm ngày càng tăng, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại một số địa phương và tác động tiêu cực đến sự vận động, phát triển lành mạnh của thị trường tín dụng, thị trường vốn của nước ta.

Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với NHNN và các bộ, ngành hữu quan thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về GDĐB, đăng ký GDĐB để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng dự án Luật Đăng ký GDĐB, Luật Đăng ký bất động sản nhằm minh bạch hóa tình trạng pháp lý của giao dịch, tài sản.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống đăng ký trực tuyến các GDĐB theo hướng vừa chặt chẽ, an toàn, vừa giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng tra cứu thông tin và thực hiện đăng ký GDĐB.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải, các bộ, ngành hữu quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm đăng ký tập trung các GDĐB; Đề án tổ chức, quản lý vận hành hệ thống dữ liệu quốc gia về GDĐB, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng chương trình xây dựng văn bản, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2012.

Theo định kỳ hàng năm, Bộ Tư pháp tổ chức diễn đàn đối thoại về đăng ký GDĐB giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan có thẩm quyền đăng ký GDĐB và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực, ý thức cán bộ chuyên trách

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu, khẩn trương hướng dẫn việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người dân và thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh, nhằm tạo điều kiện cho Tòa án nhân dân các cấp, các tổ chức và cá nhân áp dụng thống nhất pháp luật.

Bộ Tư pháp phối hợp với NHNN, Bộ Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu, xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm nhằm giúp bên nhận bảo đảm thu giữ kịp thời tài sản bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác, cố tình trốn tránh.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên - Môi trường tăng cường hướng dẫn, kiểm tra hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai trong việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, nhằm tránh thất thoát phôi Giấy chứng nhận. Song song đó, Bộ Công an cần chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất để lừa đảo, chiếm đoạt tín dụng.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề công chứng, TCTD và cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực, ý thức chấp hành pháp luật về GDĐB, đăng ký GDĐB, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh NHNN và các sở, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về GDĐB, đăng ký GDĐB ở địa phương nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến rủi ro và bất ổn trong hoạt động cho vay có bảo đảm; chỉ đạo UBND các cấp ở địa phương trong phạm vi quản lý của mình tích cực phối hợp, hỗ trợ bên nhận bảo đảm thực hiện việc thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm nhanh chóng đúng pháp luật.

Các tin khác