Bộ Y tế lo ngại, sự giao lưu, đi lại, thương mại giữa các nước ngày càng gia tăng sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy về dịch bệnh xâm nhập vào nước ta qua cửa khẩu; vì vậy, các địa phương cần có phương án chủ động phòng ngừa tại cộng đồng.
Lo ngại dịch bệnh xâm nhập dịp tết
Theo cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (Bộ Y tế), tính đến ngày 10-1, tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã ghi nhận 59 trường hợp mắc viêm phổi cấp, trong đó trường hợp tử vong đầu tiên là một đàn ông 61 tuổi, thường xuyên đến mua hàng tại chợ Huanan ở Vũ Hán (nơi có nhiều trường hợp mắc bệnh được ghi nhận) và có tiền sử bị u ổ bụng, bệnh gan mạn tính.
Kết quả xét nghiệm cho thấy có tới 41 trường hợp dương tính với chủng virus mới của coronavirus (bao gồm cả trường hợp tử vong). Việc xác định ban đầu về chủng virus mới trong thời gian ngắn là kết quả đáng ghi nhận và chứng minh khả năng kiểm soát các ổ dịch của Trung Quốc.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã xét nghiệm và loại trừ các nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại TP Vũ Hán như SARS, MERS-CoV, cúm mùa, cúm A, adenovirus và một số tác nhân gây bệnh viêm phổi thông thường khác. Coronavirus là một họ lớn của virus có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, như các trường hợp cảm lạnh thông thường hoặc trường hợp bệnh MERS và SARS. Một số chủng có thể lây truyền dễ dàng từ người sang người, trong khi đó một số chủng khác thì không.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết từ năm 2014 đến nay, Bộ Y tế đã và đang duy trì hoạt động giám sát chặt chẽ nhiều loại bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV, Ebola, SARS, cúm A/H7N9…
“Tính đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi trên thế giới, cũng chưa ghi nhận trường hợp có biểu hiện tương tự như bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán hiện nay, việc giao lưu, đi lại, thương mại giữa các nước ngày càng gia tăng, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta qua các cửa khẩu”, ông Đặng Quang Tấn cảnh báo.
Siết chặt từ cửa khẩu
Trước nguy cơ dịch bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc lây lan và xâm nhập vào nước ta qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, hiện ngành y tế tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… đang đẩy mạnh hoạt động giám sát, kiểm dịch y tế biên giới.
Tỉnh Lạng Sơn là nơi có nhiều cửa khẩu lớn cùng nhiều đường mòn, lối mở có lượng người, hàng hóa từ phía Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn. Ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế tỉnh Lạng Sơn, cho biết chỉ riêng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 11 cán bộ kiểm dịch viên, cùng 3 máy kiểm tra thân nhiệt gắn camera hồng ngoại, nên tất cả 100% hành khách đều phải qua máy kiểm tra; đồng thời đơn vị củng cố phòng cách ly ở cửa khẩu, kiện toàn đội phản ứng nhanh cùng các phương án phòng chống dịch được khởi động lại.
Tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt người xuất nhập cảnh. Trạm kiểm dịch y tế cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã chủ động triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo người dân và khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu những thông tin về dịch viêm phổi cấp. Cửa khẩu cũng đã được lắp máy đo thân nhiệt nhằm phát hiện các trường hợp bất thường về sức khỏe liên quan đến dịch bệnh.
Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch tại sân bay quốc tế Nội Bài, đảm bảo đầy đủ các phương tiện bảo hộ và trang thiết bị cần thiết phục vụ việc phòng chống dịch. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho hay hiện đã triển khai 5 máy đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh và quá cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài, nhất là những hành khách đến từ vùng đang lưu hành dịch bệnh viêm phổi cấp tại Trung Quốc.
“Những trường hợp bị sốt đều được điều tra dịch tễ để không bị bỏ sót. Người có tiền sử đi từ vùng có dịch về sẽ được cách ly, theo dõi chặt. Chúng tôi tổ chức thường trực 24/24 giờ, có đội phản ứng nhanh để xử lý nếu có trường hợp nghi ngờ...”, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết. Đồng thời Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu trung tâm y tế các quận huyện, thị xã giám sát chặt chẽ trường hợp có biểu hiện hoặc nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng, cơ sở y tế.
Tại TPHCM, hiện ngành y tế TP đã triển khai các biện pháp đáp ứng nguy cơ xâm nhập ca bệnh từ Trung Quốc. Các đơn vị chức năng của ngành y tế đang theo sát và chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng phù hợp với từng tình huống.
Cụ thể: Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM đã triển khai hoạt động giám sát tại các cửa khẩu của thành phố, gồm sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Tân Thuận, Cát Lái, Khánh Hội… Tiến hành khám lâm sàng và tìm hiểu các yếu tố dịch tễ, nhằm phát hiện trường hợp nghi ngờ để cách ly và điều trị kịp thời, không để bệnh lây lan vào nội địa. Đến nay, tại các cửa khẩu của TPHCM chưa phát hiện ca bệnh nghi ngờ nào.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, song song với các hoạt động tại cửa khẩu, nhiều đơn vị y tế trong TP cũng đã có các bước chuẩn bị đáp ứng theo từng tình huống bệnh xảy ra.
“Với kinh nghiệm đối phó dịch SARS năm 2003, MERS-CoV 2014, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các trung tâm y tế quận huyện, bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thuốc men, vật tư hóa chất, trang thiết bị… đáp ứng khi có ca bệnh. Đặc biệt, trong dịp tết sắp tới, các đơn vị phải nâng cao cảnh giác, phát hiện sớm trường hợp bệnh nghi ngờ, thực hiện báo cáo và triển khai các biện pháp cách ly, điều trị, giám sát người tiếp xúc theo quy định”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết.
Tăng cường kiểm dịch y tế
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó ghi nhận các bệnh nguy hiểm như dịch Ebola tại Cộng hòa Congo, MERS-CoV tại một số quốc gia khu vực Trung Đông; bệnh bại liệt tại Philippines, Myanmar, Trung Quốc; sốt vàng da tại một số quốc gia khu vực Nam Mỹ và châu Phi; dịch tả tại Sudan...
Để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm qua các cửa khẩu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành tăng cường công tác kiểm dịch y tế, phòng chống dịch bệnh lan truyền qua cửa khẩu, thực hiện nghiêm túc các hoạt động kiểm dịch y tế vùng biên giới.
Thực hiện việc kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh, quá cảnh và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh truyền nhiễm; phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (nếu có), cách ly và xử lý kịp thời; đồng thời báo cáo đến các cơ quan quản lý để phối hợp chỉ đạo giải quyết.
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan tại cửa khẩu tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm, gia cầm nhập lậu, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vận chuyển qua biên giới và chủ động triển khai những biện pháp phòng chống hiệu quả, cập nhật kế hoạch đáp ứng các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp tại khu vực cửa khẩu để sẵn sàng đáp ứng trong các trường hợp cần thiết và có kế hoạch, phân công cán bộ, tổ chức trực đầy đủ trong thời gian vui tết.
Người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã. Những người trở về từ TP Vũ Hán hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại TP Vũ Hán, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. |