Chiều 17-1, trả lời trực tuyến câu hỏi của người dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (ảnh) cho biết năm 2012 bên cạnh công khai minh bạch chính sách, Nhà nước cũng yêu cầu minh bạch công khai chi phí, giá thành của tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Thanh tra giá các mặt hàng nhạy cảm
* Việc quản lý giá xăng dầu, than và điện sẽ được minh bạch như thế nào, thưa bộ trưởng?
- Minh bạch và công khai là một trong những điều kiện kiên quyết để điều hành, quản lý nền kinh tế nói chung, trong đó có quản lý về giá cả, nhất là đối với những mặt hàng, vật tư có ý nghĩa chiến lược như điện, than, xăng dầu... Để thực hiện giải pháp này, trong lĩnh vực quản lý giá, chúng tôi nghĩ phải minh bạch cả khâu chính sách cũng như thông tin của doanh nghiệp. Về chính sách, phải công khai minh bạch ngay khi xây dựng pháp luật.
Qua lần kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu gần đây, Bộ Tài chính nhấn mạnh rất rõ việc minh bạch trong thực hiện nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Chúng tôi cũng có nói rõ định hướng sắp tới đây, chúng ta vừa kiên trì thực hiện nghị định 84, đồng thời xem xét nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số vấn đề cần thiết như chu kỳ để tính điều chỉnh tăng hoặc giảm giá, với thời gian sẽ ngắn hơn, phù hợp với diễn biến của giá thế giới. Thứ hai, nghiên cứu hoàn thiện thêm công thức tính giá cơ sở, có thể đưa lãi định mức ra khỏi công thức tính giá cơ sở để đảm bảo sự minh bạch về lỗ lãi.
Bên cạnh công khai minh bạch chính sách, Nhà nước cũng yêu cầu minh bạch công khai chi phí, giá thành của tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tôi được biết năm 2012 Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của Tổng công ty Xăng dầu. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Thanh tra Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra tất cả đầu mối xăng dầu còn lại, cũng như các đầu mối bán điện giá cao cho EVN để làm rõ cơ cấu chi phí, giá thành trong kinh doanh điện lực cũng như xăng dầu, phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan làm tăng giá thành.
* Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đã thực hiện gần ba năm, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp, phải chăng làm khó doanh nghiệp và muốn nắm giữ cơ chế xin - cho?
- Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu Chính phủ ban hành năm 2009, theo đó quyền định giá thuộc doanh nghiệp. Tôi nói quyền định giá ở đây là trong khuôn khổ, tức là xăng dầu vẫn là mặt hàng Nhà nước quản lý về giá.
Hiện nay giá cơ sở đang ở mức rất thấp. Thuế nhập khẩu của xăng ở mức 4%, mazut 0%, diesel, dầu hỏa 5%. Đây là mức thuế suất nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với khung thuế hiện hành. Trước mắt, chúng ta sẽ khôi phục giá cơ sở theo đúng tinh thần giá cơ sở của nghị định 84. Sau đó, các doanh nghiệp tự xem xét và điều chỉnh giá trong khung khổ nghị định 84 quy định.
* Trong năm 2012, dự kiến giá điện tăng khoảng bao nhiêu nữa?
- Giá điện năm 2012 về cơ bản đáp ứng được giá thành kế hoạch cộng với việc phân bổ thêm một phần lỗ của năm 2011, cũng như đáp ứng được một phần giá bán than sẽ được điều chỉnh 80% so với hiện nay. Với tinh thần đó, giá điện sẽ tăng nhưng mức tăng phải tính toán kỹ và vẫn phải thực hiện hai mục tiêu.
Một là đến năm 2013 thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội là các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công về cơ bản theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu thứ hai là đồng thời kiềm chế lạm phát dưới một con số, cụ thể là Chính phủ đã đặt mục tiêu khoảng 9%.
Vấn đề thứ hai, khi tăng giá điện, Nhà nước đều có tuyên bố chính sách hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp. Chúng ta đã biết chính sách không tăng giá điện từ mức 0 đến 100kWh. Các hộ sử dụng 50kWh tính giá 992 đồng như hiện nay, các hộ sử dụng 100kWh thì ở mức 1.242 đồng/kWh. Mặt khác, những hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp 30.000 đồng/tháng.
Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ còn 20%
* Quan điểm của ông về việc mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn nhiều so với các nước, nhất là trong điều kiện sản xuất khó khăn như hiện nay nhiều doanh nghiệp phải tìm cách lách và trốn thuế?
- Chính sách thuế năm 2012 được Chính phủ phê chuẩn theo định hướng động viên sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng nguồn thu và phải khoan sức dân trong nhiều giai đoạn, tạo nguồn thu lâu dài. Hiện nay, mức thuế thu nhập doanh nghiệp của ta (25%) không cao hơn so với các nước vì tính bình quân các nước là 27%. Định hướng chiến lược thuế đến năm 2020 sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 20% để bồi dưỡng nguồn thu, khoan sức dân, khuyến khích sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ miễn, giảm, hoàn thuế tích cực. Năm 2009, bộ trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội gói giảm, miễn, hoàn thuế quy mô lớn. Năm nay, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ quyết định giãn thuế thu nhập doanh nghiệp thêm ba tháng nữa với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động và tùy diễn biến tình hình, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ ban hành hoặc Chính phủ trình Quốc hội ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề thuế.
* Trong tình hình nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, Bộ Tài chính có chính sách gì để đảm bảo mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8%?
- Khi xây dựng dự toán năm 2012, chúng ta tính toán, cân đối rất chặt chẽ. Và nếu như đạt được, kết quả cân đối thu chi năm 2012 sẽ rất tích cực. Tuy nhiên, mục tiêu kéo bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% đòi hỏi chúng ta phải rất nỗ lực.
Để thực hiện mục tiêu trên, chính sách phải tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo khá đầy đủ về các giải pháp tài chính thúc đẩy, phục vụ sản xuất, trong đó có chính sách tài khóa, chính sách thuế... Chính sách tài khóa phải chung tay gánh vác với chính sách tiền tệ, có giải pháp quyết liệt để hỗ trợ chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu sản xuất kinh doanh.
Vấn đề thứ hai, tổng đầu tư công năm nay Quốc hội và Chính phủ đã tính kỹ, chỉ có 180.000 tỷ đồng từ ngân sách, 45.000 tỉ đồng từ trái phiếu chính phủ, tức không tăng so với năm ngoái. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP và giảm bội chi, chúng ta phải hết sức coi trọng việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm...
TS Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả): Thật ra người dân phản ứng mỗi khi điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện vì họ không biết mức tăng đó là đúng hay không, doanh nghiệp đang lỗ hay đang lãi. Còn hiện nay, người dân chưa thể chia sẻ mỗi lần tăng giá xăng dầu, điện là vì thông tin còn bị giấu giếm. Để công khai minh bạch giá các mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, điện..., điều quan trọng nhất là cơ chế bắt buộc doanh nghiệp phải công khai minh bạch thông tin đồng thời cả cơ chế kiểm tra, giám sát sự công khai minh bạch đó. Khi hai vấn đề này làm được, người dân mới có lòng tin vào mỗi lần điều chỉnh giá. Chứ thật ra người dân đâu có thời gian và năng lực để giám sát, kiểm tra thông tin doanh nghiệp. TS Phạm Hùng Tiến (phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nên hạ ngay thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức bình quân của khu vực khoảng 20-22%. Khi đó sẽ hạn chế rất nhiều hiện tượng chuyển giá. Còn trước mắt, nên thực hiện tập trung thí điểm chống chuyển giá ở một số ngành cụ thể như dược, linh kiện điện tử... nhằm tập trung được năng lực của thanh tra thuế khi lực lượng của ta còn mỏng. Để thực hiện chống chuyển giá, cơ quan thuế có thể yêu cầu doanh nghiệp xuất trình hồ sơ xuất xứ hàng hóa, các tài liệu cần thiết để so sánh với giá trên thị trường. Đối với trường hợp có nghi vấn, cơ quan thuế có thể yêu cầu cách tính giá trên từng hạng mục để tính thuế nguyên vật liệu đầu vào. VN cũng có kinh nghiệm và có quan hệ thương mại với nhiều nước, do đó không khó để tính giá trị thực. |