Ông Bùi Ngọc Bảo - quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN - cho biết giá thế giới bình quân 15 ngày qua nhích nhẹ tiếp tục gây sức ép lên giá xăng dầu trong nước.
Các nước OPEC vẫn tiếp tục cắt giảm sản lượng để duy trì giá mặt hàng này, trong khi thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu...
Để kìm giá xăng dầu trong nước, ngày 9-11 trả lời Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết từ quý 3, Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát giảm các loại, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường, đối với mặt hàng này. Vì điều hành xăng dầu là nhiệm vụ của Bộ Công thương nhưng chính sách thuế thì do Bộ Tài chính.
Ông Hải thông tin: chỉ còn giải pháp giảm thuế mới có thể giữ giá bán xăng dầu trong nước không tăng thêm. Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn kiệt, không còn nguồn để xử lý nữa.
Ông Bùi Ngọc Bảo cũng cho rằng việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường lúc này sẽ gây khó cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.
Trong khi đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu tại nhiều đầu mối nhập khẩu xăng dầu như Petrolimex đang bị âm, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Việc tiếp tục trích tiền vào quỹ cũng rất vô lý vì gây áp lực lên giá bán. Nhưng nếu không cho trích quỹ thì lấy nguồn nào để bù đắp cho doanh nghiệp?
Một số chuyên gia tài chính kiến nghị hơn lúc nào hết, Bộ Tài chính nên xem xét giảm thuế đối với xăng dầu để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp. Bởi hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần được khôi phục nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều.
Ngân sách có khó khăn nhưng vẫn có nguồn để hỗ trợ người tiêu dùng trong nước. Thực tế, số thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt mức khá cao với 1.224.300 tỉ đồng, trong khi tổng số chi thì thấp hơn với 1.149.400 tỉ đồng. Nhất là số thu từ dầu thô được Bộ Tài chính cho biết trong 10 tháng đầu năm đạt 33.200 tỉ đồng, bằng 143% dự toán.