Gian nan chờ… hỗ trợ

(ĐTTCO) - Có thể thấy Chính phủ cũng như TPHCM đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Thế nhưng cái mà DN băn khoăn chính là khả năng tiếp cận với chính sách, đặc biệt là các chính sách từ Trung ương về với địa phương còn quá gian nan. 

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh:

Cho đến thời điểm này những khó khăn, mong muốn của DN nhất là DN tại TPHCM, đã được Chính phủ, lãnh đạo thành phố lắng nghe trong nhiều cuộc gặp. Riêng với TPHCM, lãnh đạo thành phố cho biết sẽ hỗ trợ cho các DN nhất là những DN đang duy trì sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”. Tuy nhiên hỗ trợ cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào nguồn lực cũng như các tính toán phù hợp. Tôi được biết thành phố đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ DN trong đó giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành theo dõi tình hình, nắm bắt cụ thể khó khăn của DN để có những phương án phù hợp. 
Riêng với các chính sách của Chính phủ từ năm ngoái khi dịch Covid -19 bắt đầu bùng phát, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ DN và người lao động nhưng còn khó tiếp cận và chưa hiệu quả. Theo tôi trong tình hình hiện nay Chính phủ nên có một gói riêng cho TPHCM để thành phố chủ động các phương án của mình nhằm hỗ trợ DN nhanh, hiệu quả nhất. Hiện nay DN tại TPHCM thuộc nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất, nên nếu áp dụng như chính sách chung của cả nước thì sẽ khó cho DN. 
Thời điểm khó khăn như thế này DN mong sớm tiếp cận các gói hỗ trợ chỉ có như vậy mới có thể tồn tại và tái hòa nhập khi dịch được kiểm soát. Hiện nhiều DN đang rất khó khăn nhất là về dòng tiền, nếu đến hạn mà không kịp đáo nợ thì sẽ tự động chuyển qua nợ xấu. Lúc này cần một chính sách quốc gia, phải coi dịch bệnh là bất khả kháng và mọi thứ phải được tự động dịch chuyển chứ không phải cứ khó thì DN phải đi xin và chờ được cho. 
Cũng cần nói thêm nếu có giảm tiền thuê đất cũng không tác động đến phần đông DN. Cái DN cần là giảm thuế VAT. Nhà nước vẫn nói rằng VAT là thuế gián thu không ảnh hưởng đến DN. Nhưng chỉ có giảm VAT mới kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất trong DN. 

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Gia Định:

Chính sách vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được, dù là DN rất đông lao động vì vướng thủ tục mà chuyện này đã vướng từ năm ngoái khi Chính phủ đưa ra gói 62.000 tỷ đồng. Có thể thấy các chính sách hỗ trợ chưa đi vào thực tế cuộc sống của DN. 
Vẫn biết quy định, thủ tục đưa ra nhằm tránh việc lợi dụng chính sách. Thế nhưng vẫn quá máy móc. Vì sao không cho DN vay trước hậu kiểm sau. Lúc này cái DN cần là tiếp cận nhanh với chính sách. Nếu đơn vị nào trục lợi thì sau hậu kiểm sẽ xử lý theo đúng quy dịnh của pháp luật. 
Hay như chuyện giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất… dường như vẫn nằm trong các  đề xuất, báo cáo chứ thực tế vẫn chưa đến với DN. Hiện nay ngoài Vietcombank có mức cho vay với lãi suất khoảng 5,6%/năm, còn nhiều ngân hàng khác với khoản  vay ngắn hạn thì lãi suất vẫn ở khoảng 6,8%/năm, gần như không có tác dụng với DN. Trong khi chúng tôi đang cần những khoản vay với lãi suất tốt hơn để có thể phục hồi sản xuất, vượt qua khó khăn của dịch bệnh. 

Các tin khác