Ao hồ có vai trò vô cùng quan trọng trong tạo lập môi trường khí hậu cho thành phố, giúp tăng độ ẩm làm mát không khí, lọc bụi, giảm tiếng ồn, giảm bức xạ của Mặt Trời.
Ngoài ra, ao hồ còn giữ chức năng điều hòa trong việc chống úng ngập cục bộ, nâng cao mực nước ngầm trong đô thị, giúp phát triển cây xanh, thảm cỏ… bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên còn lại trong đô thị.
Song có một thực trạng là ao hồ của Hà Nội đã giảm về số lượng và diện tích do quá trình phát triển đô thị. Nhiều ao hồ giờ chỉ còn là tên gọi trong tiềm thức của một số khu dân cư.
Không để diện tích ao hồ bị thu hẹp, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết khẩn yêu cầu các địa phương thực hiện bảo vệ, giữ ao hồ. Nhờ đó, ao hồ được "hồi sinh," phát huy được giá trị vốn có về cảnh quan, văn hóa, giữ được chức năng "máy điều hòa" không khí giữa đô thị phát triển.
Hà Nội là thành phố "tụ thủy, tụ nhân," cho thấy mảnh đất này có nhiều ao hồ, sông và không gian mặt nước. Sự phát triển của Thủ đô kéo theo nhiều ao hồ bị san lấp, nhường chỗ cho dự án. Diện tích, số lượng ao hồ bị thu hẹp gây ra hệ lụy như ngập lụt, không khí môi trường, sinh thái bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống của cư dân bị giảm sút… từ đó nhiều giá trị văn hóa, lịch sử bị phôi pha theo số phận của ao hồ.
Song để cứu vãn những ao hồ còn lại, Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn.
Đổi ao hồ lấy cao ốc
Hẳn nhiều người Thủ đô còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm hay các quận Tây Hồ, Long Biên cũng là vùng có nhiều ao hồ, tạo môi trường sống trong lành, hài hòa cho khu dân cư.
Tại Hà Nội, quá trình đô thị hóa và tăng trưởng dân số dẫn đến nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng nên ao hồ là mục tiêu lấn chiếm nhiều. Diện tích mặt ao hồ đã giảm đi đáng kể, có nhiều ao, hồ đã hoàn toàn biến mất.
Điển hình như quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất thành phố với trên 30 hồ ao nhưng từ năm 2010-2020, theo thời gian, đã có 4 ao hồ trên địa bàn quận này bị san lấp. Cụ thể là ao cạnh chùa Láng, ao sau chùa Láng, ao trồng rau và hồ Ba Giang. Như vậy, sau 10 năm quận này mất đi 14.929m2 diện tích mặt nước.
Tương tự như quận Cầu Giấy, với tốc độ đô thị hóa nhanh, trong gần chục năm qua, hàng loạt dự án được khởi công, đồng nghĩa với rất nhiều ao hồ bị san lấp.
Điển hình như dự án thi công đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài san lấp ao xóm Đa, hay khi xây dựng Khu đô thị thành phố Giao lưu san lấp ao khu Đồng Xa. Còn hồ Tây cũng bị thu hẹp từ khoảng 550ha xuống còn hơn 527ha.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng ao hồ thường là của "cha chung" nên việc giải phóng mặt bằng cũng thuận lợi, giá đền bù cũng "mềm" hơn so với lấy đất thổ cư hoặc đất khác. Vì thế, nhiều ao hồ của thành phố Hà Nội bị mất trong thời gian gần đây.
Nhiều người dân thôn Mễ Trì Thượng phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm) vẫn còn nhớ về khoảng thời gian cam go cách đây hơn chục năm, đấu tranh với chủ đầu tư để giành lại không gian hồ B trên địa bàn.
Năm 2010-2012, khi đó huyện Từ Liêm cũ (nay là Nam Từ Liêm) đã đồng ý chủ trương cho một chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu đô thị và sân golf trên toàn bộ phần diện tích của hồ B và một phần bãi rác của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Hà Nội.
Trước nguy cơ hồ bị biến mất, nhiều hộ dân trong thôn đã lên tiếng phản đối. Trước sự thiết tha của các hộ dân, năm 2013, quận Nam Từ Liêm đã quyết định dừng dự án. Hiện nay, hồ B nằm trong khuôn viên của dự án Vinhome Gardenia đã được kè bờ, làm đường dạo là chỗ vui chơi, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân.
Ông Nguyễn Đăng Hợp, nguyên là Chủ nhiệm Hợp tác xã 1/5 từ năm 1997-2018, một trong những người tích cực tham gia đấu tranh giữ lại hồ B chia sẻ người dân rất vui mừng khi giữ lại được hồ. Những ngày Hè oi ả, hồ như chiếc điều hòa khổng lồ với không khí tươi mát cho khu dân.
Tuy nhiên, việc giành lại hồ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chẳng hạn như hồ Linh Quang, phường Văn Chương (Đống Đa). Vào thập niên 90 của thế kỷ 20, hồ rộng khoảng 3ha, nước xanh mát, nhưng do buông lỏng quản lý, nhiều hộ dân đã lấn chiếm hồ làm nhà ở, xả rác và nước thải gây ô nhiễm môi trường hồ.
Sau nhiều năm chính quyền phường và quận vận dụng các phương pháp để giải tỏa vi phạm, đến năm 1996, hồ Linh Quang được duyệt kè bờ, xử lý ô nhiễm. Nhưng đến nay, việc kè bờ vẫn chưa được hoàn thành khi còn 12 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho chính quyền.
Tài sản vô giá cần được bảo vệ
Dù chưa thành hiện thực song đề xuất lấp hồ Thành Công của một doanh nghiệp vẫn đang đề tài "nóng" trong mỗi lần đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc với cử tri thành phố.
Cách đây khoảng 2 năm, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Việt Hưng đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép lấp một phần hồ Thành Công để lấy đất xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công. Đề xuất này gặp phải sự phản đối gay gắt từ phía người dân sống trong khu vực cũng như các chuyên gia.
Chứng kiến sự việc trên, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội nêu rõ quan điểm không đồng tình và cho rằng đây là phương án không hợp lý và trái với quy hoạch đặt ra.
Ông Nghiêm phân tích hồ là cảnh quan thiên nhiên nên không chỉ đong đếm ở diện tích mặt nước mà còn ở hình dáng, thẩm mỹ. Hiện nay, hồ Thành Công tiếp cận một phần ở ngã tư Huỳnh Thúc Kháng tạo nên không gian mở. Nếu lấp đi để xây dựng công trình cao 35 tầng sẽ đánh đổi không gian "mở" của ngã tư trở thành không gian "kín."
Hồ Thành Công rộng gần 6ha, được kè đá cẩn thận và là nơi tham quan, thư giãn lý tưởng của người dân.
Anh Hồ Viết Sơn Tùng ở Khu tập thể Thành Công (Ba Đình) nhìn nhận dù doanh nghiệp dự định làm một cái hồ khác cạnh đó để bù vào diện tích hồ bị thu hẹp nhưng ai dám chắc rằng chủ đầu tư sẽ làm ngay.
Cũng theo anh Tùng, hồ Thành Công còn mang một giá trị văn hóa, tinh thần rất lớn, thể hiện ý chí, tình cảm, kỷ niệm của thanh nhiên, sinh viên Thủ đô. Vì hồ được hình thành từ kết quả lao động công ích của hàng nghìn sinh viên các trường đại học khu vực Hà Nội thập niên 80 thế kỷ trước. Hồ đẹp và chất chứa nhiều giá trị tinh thần nên không thể lấp.
Lắng nghe ý kiến của nhân dân, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết đây chỉ là ý tưởng trong nội dung đề xuất của nhà đầu tư báo cáo trước Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch thành phố và chưa nhận được sự đồng thuận của các thành viên.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh hồ Thành Công hay bất kỳ hồ nào khác trên địa bàn Thủ đô đều là tài sản vô giá cần được bảo vệ, không có chuyện nhà đầu tư thích làm gì cũng được. Quan điểm trên cho thấy thành phố đã và đang đặc biệt quan tâm đến không gian mặt nước./.