Để chế biến xuất khẩu, hàng năm các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu từ nước ngoài với hàng loạt rủi ro tiềm ẩn. Tuy nhiên, thách thức về nguyên liệu vẫn là một bài toán khó tìm ra lời giải trong khi thị trường vẫn đang vận động theo hướng lựa chọn nhà cung ứng có thể bao trọn gói.
Rủi ro từ nguyên liệu nhập
Khi bước ra thị trường thế giới, điều Việt Nam đã được công nhận là sản phẩm hấp dẫn với chất lượng tốt, thơm ngon. Song vài năm gần đây, vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu điều nước ta đang lung lay, nhiều DN thua lỗ, chán nản do không chủ động được nguồn nguyên liệu.
Tại một hội nghị diễn ra mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết diện tích trồng điều cả nước đang ngày càng thu hẹp, nên để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu, ngành điều phải phụ thuộc đến 50% nguyên liệu nhập khẩu.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An, điều nguyên liệu hiện nay chủ yếu nhập từ châu Phi và rất khó kiểm soát chất lượng.
Trong năm 2012, công ty đã bị ảnh hưởng không nhỏ khi 1.500 tấn điều nguyên liệu nhập từ châu Phi về đến cảng mới phát hiện lô hàng bị trộn lẫn điều chất lượng thấp, công ty phải chịu lỗ vốn. Hơn nữa, đối tác từ châu Phi thường giao hàng chậm, khiến các DN mất uy tín với khách hàng.
![]() |
Ngành điều đang phụ thuộc 50% vào nguyên liệu nhập khẩu. |
Cũng giống như ngành điều, ông Lê Thanh Phúc, Giám đốc Công ty Thủy sản Phúc Mộc, chia sẻ dù có tiếng trên thế giới về xuất khẩu, nhưng trừ nguyên liệu cá tra, ngành thủy sản phải nhập một lượng lớn cá, mực, tôm, cua… từ các nước châu Á mới đủ nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu.
Thực tế, một số nước nguồn nguyên liệu dồi dào, phương tiện đánh bắt tiên tiến, công nghệ bảo quản hiện đại nhưng nhu cầu nhập khẩu lại cao nên họ cũng dựa vào cớ đó để tăng giá bán. Do nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nên các DN phải chấp nhận mua hàng giá cao để đáp ứng các đơn hàng đúng thời hạn.
Còn nếu nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ như từ Thái Lan, Bangladesh, DN lại đối mặt với các vấn đề như truy xuất nguồn gốc, không kiểm soát được các chất cấm trong nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến thương hiệu thủy sản trong nước.
Ngoài 2 ngành này, các ngành da giày, dệt may, chế biến gỗ cũng đối mặt với hàng loạt rủi ro khi các nước đang ngày càng gia tăng hàng rào kỹ thuật, trong khi chúng ta không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng nguyên liệu nhập khẩu.
Đề xuất giảm rủi ro
Trước vấn đề thiếu nguyên liệu, nhiều chuyên gia, hiệp hội đã đặt vấn đề phát triển vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu chế biến của DN.
Thực tế, quy hoạch các ngành đã được xây dựng nhiều năm nay, song việc phát triển đi đúng chiến lược là một điều vô cùng khó khăn. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, năm 2013 nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ hoạt động chế biến xuất khẩu dự kiến tăng 20% so với năm trước, với tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu có thể đạt đến 1 tỷ USD. Dù DN muốn tăng nguyên liệu, giảm bớt nhập khẩu nhưng lực bất tòng tâm vì số hộ nuôi thủy sản thua lỗ ngày càng tăng.
Cụ thể, năm 1993 tỷ lệ số hộ sinh lời đạt 94%/tổng số hộ nuôi, thời điểm 2002-2005 chỉ còn 75% hộ có lời, giai đoạn 2005-2009, con số này còn 70%, giai đoạn 2010-2012 chỉ còn khoảng 50% hộ nuôi trồng có lời nên người dân không còn mặn mà.
Quy mô nuôi trồng của một số DN chỉ đáp ứng được một phần đơn hàng. Với ngành điều, đa số cây điều hiện nay đã già cỗi, diện tích trồng ngày càng thu hẹp so với cao su và hồ tiêu. Song song đó, vùng nguyên liệu bông cung ứng cho dệt may những năm qua không cải thiện được.
Theo các chuyên gia, DN nên chọn những nhà cung ứng uy tín và đề ra những chỉ tiêu chất lượng cụ thể trên hợp đồng mua bán để hạn chế rủi ro với hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, DN cũng có thể chọn hướng gia công cho các nhà xuất khẩu. Khi thực hiện gia công cho họ, nhà xuất khẩu sẽ đảm bảo giao hàng đúng chất lượng và DN chỉ việc làm hàng theo yêu cầu, tránh được rủi ro khi xuất khẩu.
Về lâu dài, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thúc đẩy những giải pháp phát triển vùng nguyên liệu một cách hợp lý và có hiệu quả hơn để giảm dần tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo bà Jocelyn Trần, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TPHCM, hiện nay xu hướng của các nhà nhập khẩu lớn tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU là lựa chọn những DN có khả năng sản xuất trọn gói, thậm chí còn phải thực hiện logistics hay giao hàng từ nhà máy đến tận cửa hàng bán lẻ để ký kết hợp tác. Vì vậy, nếu không chủ động được nguyên phụ liệu, DN sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh, mất khách hàng và các đối thủ khác sẽ dễ dàng vượt qua.