(ĐTTCO) - Trong buổi họp báo quý II của Bộ Tài chính cuối tuần qua, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết kinh doanh Uber tại Việt Nam là loại hình dịch vụ mới, chưa có quy định cụ thể. Bộ Tài chính đã trao đổi với các bộ liên quan và cho rằng đây là loại hình kinh doanh "vừa có gì đó mang tính chất vận tải nhưng không phải hoàn toàn, vừa có gì đó mang tính chất công nghệ". Cơ quan này đang nghiên cứu và sẽ trình Bộ Tài chính việc quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này nhằm đảm bảo theo thông lệ quốc tế.
Thực chất Uber đã hoạt động trên thị trường taxi Việt Nam từ năm 2014 đến nay, tạo áp lực rất lớn đến các hãng vận tải taxi trong việc cạnh tranh, nhưng đến nay qua cách trả lời của lãnh đạo ngành thuế, cho thấy sự lúng túng khi xác định được Uber là mô hình hoạt động kinh doanh gì, để từ đó có chính sách thuế phù hợp. Đáng lo ngại hơn, đây lại không phải là cá biệt hiện nay.
Bởi lẽ, ngành thuế còn đang phải đối mặt với bài toán hết sức nan giải trong việc làm thế nào để quản lý thuế đối với quảng cáo trực tuyến của Google, Facebook; việc cung cấp dịch vụ ứng dụng và game thông qua chợ ứng dụng của Apple, Google trên thiết bị di động; thuế đối với cá nhân kinh doanh hàng hóa truyền thống trên mạng xã hội… Những công ty Google, Facebook, Uber… không nộp thuế cho Việt Nam nhưng cũng chưa hẳn họ trốn thuế. Họ đã tận dụng được các khoảng trống pháp lý hiện nay của Việt Nam để lách. Điều đó thực chất không sai vì tại Hiến pháp 2013 hay Luật Doanh nghiệp đã nêu rõ quan điểm người dân, doanh nghiệp làm những gì pháp luật không cấm.
Vấn đề ở chỗ, không kiểm soát được quy định mình đưa ra, lỗi không phải là doanh nghiệp mà chính do cơ quan quản lý nhà nước. Theo Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (có hiệu lực từ ngày 1-9-2013), các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có lượt truy cập từ Việt Nam như Facebook, Google, Uber… đều phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam. Nghĩa là họ phải thực hiện nghĩa vụ thuế Việt Nam nếu phát sinh doanh thu, lợi nhuận. Còn theo Thông tư 134 của Bộ Tài chính quy định về thuế nhà thầu, khi thực hiện cung cấp dịch vụ quảng cáo, tiếp thị... các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài phải chịu thuế nhà thầu. Tuy nhiên, cũng theo quy định, để kê khai, nộp thuế nhà thầu doanh nghiệp phải có cơ sở thường trú tại Việt Nam và phải áp dụng chế độ kế toán tại Việt Nam. Thế nhưng, cả Facebook và Google đều chưa có chi nhánh chính thức tại Việt Nam. Còn với Uber, dù đã có pháp nhân tại Việt Nam nhưng chỉ hoạt động về tư vấn, nghiên cứu thị trường cho công ty mẹ ở Hà Lan.
Theo ước tính, năm 2014, tổng doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến trên 5.000 tỷ đồng, riêng Facebook và Google chiếm khoảng 75%, chưa kể họ còn thu gián tiếp qua các đại lý quảng cáo là doanh nghiệp Việt Nam. Thu về hàng trăm triệu USD nhưng Facebook, Google hay Uber đã lách các quy định hiện hành để tránh nghĩa vụ thuế. Với xã hội, đạo đức kinh doanh của họ là vấn đề đáng bàn, nhưng với cơ quan quản lý đây là câu chuyện pháp lý. Trong khi những ràng buộc về mặt pháp lý với doanh thu, lợi nhuận khổng lồ họ có được hiện nay... rất lỏng lẻo. Thí dụ, Uber chỉ bị đánh thuế thuế giá trị gia tăng trên doanh thu tính thuế 2%, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng 2%; Facebook, Google chỉ dừng ở khoản thu nhỏ là thuế nhà thầu.
![]() |
Điều lo ngại, những khó khăn, bất cập trong quản lý thuế với Facebook, Uber, Google... trong tương lai có thể nhiều lên, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã có 1 chương riêng về thương mại dịch vụ xuyên biên giới. Và đến khi TPP có hiệu lực, không hiểu sẽ có thêm loại hình dịch vụ nào được cung cấp vào Việt Nam và chúng ta sẽ phải đối mặt, ứng xử với các loại hình dịch vụ đó ra sao. TPP có những điều khoản cam kết mở nhằm tạo sân chơi bình đẳng, thông thoáng, nhưng sân chơi đó sẽ trở nên bất bình đẳng với những nước có trình độ kém phát triển so với những đối tác mạnh khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Thực tế nêu trên cho thấy công tác quản lý thuế trong nền kinh tế số cần phải có sự thay đổi. Thí dụ, việc phân loại thu nhập trong chính sách thuế hiện nay và trong nền kinh tế số đã không còn phù hợp. Nếu ngành thuế thích ứng được với những thay đổi mới có thể xác định đúng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế số phát sinh tại nước tạo ra giá trị, cũng như đánh thuế đối với các giao dịch về dịch vụ xuyên biên giới. Còn nếu không theo kịp được hội nhập, Việt Nam vẫn sẽ chỉ là "con gà đẻ trứng vàng", nơi "vỗ béo" cho những đại gia công nghệ số trên thế giới.