Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 dự kiến vào khoảng 5,5% - mức dự kiến thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây - khiến nguồn thu ngân sách ước chỉ tăng 8,8% so với năm 2012.
Chiều nay (5-11-2012), các đại biểu Quốc hội sẽ bày tỏ quan điểm của mình về việc có nên nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lên 9 triệu đồng/tháng và nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng/tháng hay không khi thảo luận Luật Thuế TNCN (sửa đổi).
Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 dự kiến vào khoảng 5,5% - mức dự kiến thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây - khiến nguồn thu ngân sách ước chỉ tăng 8,8% so với năm 2012.
Đây cũng là mức dự kiến tăng thu ngân sách thấp nhất trong nhiều năm qua.
Trước khó khăn này, Quốc hội đành “lỗi hẹn” khi không thể tăng lương tối thiểu lên 1,3 triệu đồng/tháng như lộ trình.
Vì vậy, trước khi cho ý kiến chính thức về việc nâng khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh, không chỉ đại biểu Quốc hội, mà ngay cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Thuế TNCN (là Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cũng hết sức băn khoăn.
Lý do là nếu nâng khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh thì sẽ tác động ngay tới nguồn thu ngân sách (năm 2013, dự kiến giảm thu trên 5.160 tỷ đồng và năm 2014, giảm thu khoảng 13.350 tỷ đồng), khiến việc nâng lương tối thiểu theo lộ trình càng trở nên khó khăn hơn do không cân đối được nguồn thu.
Tăng thu ngân sách để giải quyết bài toán chi tiêu, trong đó có việc tăng lương tối thiểu và giảm mức đóng góp từ thuế, phí của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào ngân sách là bài toán vô cùng phức tạp. Nhưng trong bối cảnh thu nhập thực tế của người dân “bị xói mòn” do lạm phát và việc giảm mức đóng góp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước đang từng bước được thực hiện, thì nâng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh là phù hợp hơn với thực tế.
Kết quả khảo sát sát mức sống của trên 69.300 hộ dân trên cả nước vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, sự biến động về giá nhiều mặt hàng đã khiến mức chi tiêu của người dân ngày càng tăng, trong khi thu nhập không tăng tương ứng.
Cụ thể, trong giai đoạn 2008-2010, chi tiêu của người dân tăng 23,6%/năm, nhưng thu nhập chỉ tăng 18% năm. Nếu trừ đi yếu tố tăng giá, thu nhập tăng thực tế của người dân chỉ còn tăng 9,3%/năm - thấp hơn so với tốc độ tăng thu nhập thực tế trong giai đoạn 2002-2004 trên 14%/năm.
Thuế TNCN là sắc thuế đầu tiên trong 10 sắc thuế phải sửa đổi trong thời gian tới, nhằm thực hiện Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu đặt ra là giảm mức động viên từ thuế, phí từ mức 26-27% GDP xuống 22-23% GDP vào năm 2015. Giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục giảm tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí trên GDP để khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất - kinh doanh và nâng thu nhập thực tế cho người dân.
Vẫn biết các đại biểu Quốc hội băn khoăn trước bài toán thu ngân sách và giảm mức đóng góp cho người dân. Song trước thực tế là tốc độ tăng thu nhập của người dân còn rất thấp và nhiều khả năng không hoàn thành nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) của Quốc hội là đến năm 2015, thu nhập thực tế của người dân tăng gấp 2-2,5 lần so với năm 2010.
Vì vậy, cử tri kỳ vọng Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân đồng tình với đề xuất nâng khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng/tháng và nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng/tháng như đề xuất của Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách khi thông qua Dự thảo Luật Thuế TNCN vào ngày 22-11 tới.
Quốc hội đã “lỡ hẹn” khi không thể tăng lương tối thiểu theo đúng lộ trình. Vì thế, việc quyết định nâng khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh chính là cơ hội để Quốc hội gián tiếp “nâng lương” (tăng thu nhập thực tế) cho hơn 4,86 triệu người có thu nhập từ tiền lương, tiền công và 200.000 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, trong đó có một bộ phận không nhỏ là công chức, viên chức.
Chính vì vậy, việc nâng khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách, song trước mắt sẽ góp phần cải thiện cuộc sống cho hàng chục triệu người dân, âu cũng là việc cần làm trong bối cảnh hiện nay.