Ông Dương Minh Tiến, Chủ tịch Asean Newtimes cho biết, trong tình hình dịch hiện nay mọi người hạn chế tụ tập đông người, hạn chế ra ngoài thì việc bán hàng trực tuyến là một hướng đi để các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng. Để triển khai công việc này một cách bài bản, thu hút khách hàng buộc doanh nghiệp phải đầu tư từ công nghệ đến công việc “hậu trường”, như các ứng dụng công nghệ như thực tế ảo, hình ảnh 360 độ, các tài liệu dự án theo hình thức sáng tạo, tư liệu về dự án, nhận định thị trường của các chuyên gia... giúp người mua hiểu rõ hơn về chất lượng sản phẩm, nghiên cứu mặt bằng, nắm rõ lộ trình thanh toán mà không cần sờ tận tay nhìn tận mắt cũng như tiềm năng dự án.
Ngoài ra, mỗi nhân viên sale cũng tự đầu tư rất mạnh cho công nghệ bán hàng online. Để hỗ trợ cho công tác bán hàng trực tuyến doanh nghiệp phải đầu tư hàng trăm triệu đồng cho các thiết bị công nghệ và chi phí quảng cáo online, đó là chưa kể đến chi phí phải làm các phim tư liệu về dự án, nhận định thị trường từ các chuyên gia để chạy xen kẽ trong qua trình giới thiệu nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về dự án, thị trường…
Tuy nhiên, thực tế giao dịch trực tuyến các dự án bất động sản hiệu quả như thế nào? Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam cho biết, bất động sản là một mặt hàng có giá trị lớn nên hầu hết người mua cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định giao dịch. Thời gian qua doanh nghiệp ông cũng tổ chức bán trực tuyến một số dự án nhưng chỉ dừng lại ở mức khách hàng “giữ chỗ” chứ chưa chuyển sang “đặt cọc”. Nghĩa là khách hàng vẫn chưa đủ niềm tin để quyết định mua khi chỉ xem dự án thông qua màn hình.
Bà Đinh Thị Châu Hương, đại diện HDTC Land cho biết thêm, thời gian đầu của dịch công ty cũng mở bán trực tuyến nhưng không có hiệu quả. Hầu như không có hợp đồng nào được chốt.
“Trong tháng 6, tháng 7 khách hàng còn có tương tác, giữ chỗ; đến tháng 8 trở đi hầu như không còn tương tác từ khách hàng trong những giao dịch trực tuyến. Do đặc thù của bất động sản nên khách hàng muốn thấy tận mặt dự án trước khi quyết định” - bà Hương chia sẻ.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, trong mùa dịch này chủ yếu họ hướng đến khách hàng cũ có tiềm năng để giới thiệu dự án và gửi thông tin chờ họ phản hồi… sau dịch chứ không kỳ vọng gì.
Theo ghi nhận của ĐTTCO, phần lớn doanh nghiệp chia sẻ hiện nay chủ yếu chăm sóc khách hàng, chuẩn bị pháp lý cho dự án mới, hỗ trợ những phần việc cũ còn lại cho khách hàng, chứ công tác bán hàng hầu như không hiệu quả.
Trước những khó khăndoanh nghiệp bất động sản đang, mới đây Sở Xây dựng TPHCM có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản. Theo đó, cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng chưa cần phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ dự án nhưng đã có quyết định giao đất và thực hiện xong nghĩa vụ tài chính do cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với dự án hoặc một phần dự án được chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.
Cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để xây dựng và khai thác mà không cần chức năng kinh doanh bất động sản đối với các công trình văn hóa, y tế, trung tâm thương mại (không phải là nhà ở)… Ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch bất động sản và đảm bảo giao dịch bất động sản minh bạch lành mạnh.
Theo nhận định của Sở Xây dựng TP, thời gian qua thị trường bất động sản trên địa bàn có phát triển nhưng chậm. Dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục tìm kiếm đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là tại TPHCM. Dự báo, sau thời gian dịch bệnh Covid 19 thị trường có thể xảy ra tình trạng nóng sốt tại các khu vực có đầu tư hạ tầng kỹ thuật- xã hội đồng bộ; các dự án tại khu đô thị trung tâm, dự án được thi công nhanh, chủ đầu tư uy tín, giá cả hợp lý…