Cửa ngõ ken đặc phương tiện
Nhiều năm qua, TPHCM đã đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hàng loạt cầu vượt, hầm chui tại 4 khu vực cửa ngõ ra vào. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa giảm, nhất là vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, tết.
Có thể thấy rõ điều này tại khu vực cầu vượt Nguyễn Văn Linh - quốc lộ (QL) 1A. Hầu hết phương tiện lưu thông về các tỉnh thành miền Tây đều qua nút giao này để vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, hoặc đi tiếp theo hướng QL1A về ĐBSCL.
Mỗi ngày có hàng chục ngàn phương tiện qua đây, thế nhưng mặt đường QL1A, đoạn từ nút giao An Lạc đến vòng xoay cầu vượt Nguyễn Văn Linh lại quá nhỏ, khiến giao thông khu vực thường ách tắc cục bộ. Bất kể vào giờ cao điểm hay thấp điểm, phương tiện lưu thông qua đây phải nhích từng chút một trên đường.
Ngược lên cửa ngõ Tây Bắc, hiện duy nhất có tuyến đường Trường Chinh nối từ trung tâm thành phố thông qua QL22 đến khu đô thị Tây Bắc, cũng như kết nối với tỉnh Tây Ninh và một số huyện của tỉnh Long An, Bình Dương. Đây cũng là trục đường quan trọng để người dân nhiều quận, huyện ngoại thành đi vào trung tâm thành phố, vì vậy lưu lượng phương tiện lưu thông trên trục đường này rất lớn.
Vừa qua, Sở GTVT TPHCM đã xây dựng và đưa vào sử dụng hầm chui nút giao thông An Sương (giao giữa QL1 và QL22, đường Trường Chinh). Đây là nút giao thông 3 tầng đầu tiên của thành phố (cầu vượt, mặt đường và hầm chui) nên giao thông khu vực nút An Sương đã được cải thiện. Tuy nhiên, khu vực xung quanh trong bán kính khoảng 200m, giao thông vẫn liên tục ùn ứ.
Về phía Đông, tình trạng kẹt xe trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây xảy ra như “cơm bữa”, báo động đến mức TPHCM nhiều lần kiến nghị khẩn trương mở rộng cao tốc này.
Trong khi đó, tình trạng giao thông trên các trục đường chính ra vào cảng Cát Lái như: Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Vành đai 2 (từ cầu Phú Mỹ đến vòng xoay Mỹ Thủy)… cũng “ngộp” phương tiện.
Anh Nguyễn Tuấn Trí (ngụ TP Thủ Đức), một tài xế xe container đi lại thường xuyên giữa Khu công nghiệp Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) về cảng Cát Lái, cho biết kẹt xe trên các tuyến đường vào cảng Cát Lái là “món quen” cánh tài xế. Có thời điểm, những chuyến xe hàng từ Khu công nghiệp Amata (Biên Hòa, Đồng Nai) về cảng Cát Lái chỉ hơn 20km nhưng mất vài giờ mới đến đích.
QL13 hướng từ trung tâm thành phố về tỉnh Bình Dương cũng luôn trong tình trạng ken đặc phương tiện. Do mặt đường nhỏ, nhiều điểm nút thắt cổ chai nên không đáp ứng nhu cầu đi lại của người và xe.
Dự án có, khó thực hiện
Sở GTVT TPHCM nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông là quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn thành phố quá thấp. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu chủ yếu do lịch sử để lại, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, xuống cấp nhưng chưa được nâng cấp, mở rộng.
Sở GTVT TPHCM cho biết, sở được thành phố giao xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn; trong đó, có một số công trình dự kiến đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên cả 4 khu vực cửa ngõ. Khu vực phía Tây sẽ được ưu tiên với các dự án: nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua huyện Bình Chánh để kết nối với tỉnh Long An cũng như các tỉnh ĐBSCL; nâng cấp, sửa chữa đường kết nối từ đường Nguyễn Văn Linh vào cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Ở khu vực phía Đông thành phố (TP Thủ Đức), sở sẽ cập nhật quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn một số tuyến đường quan trọng; bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái; bổ sung quy hoạch xây đường kết nối từ đường Long Phước vào đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng, nhiều dự án cần được ưu tiên đầu tư trước nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường có mật độ xe lưu thông rất cao.
Cụ thể, tại khu vực cửa ngõ phía Đông có các dự án: xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa); mở rộng các tuyến đường Xa lộ Hà Nội, Lương Định Của, Đồng Văn Cống; xây dựng nút giao Mỹ Thủy; xây dựng cầu Tăng Long, cầu Nam Lý; mở rộng đường song hành cao tốc Đỗ Xuân Hợp - An Phú; các công trình trọng điểm khép kín hai đoạn Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến ngã tư Bình Thái và từ Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng); xây dựng nút giao thông An Phú nhằm giải tỏa ùn tắc trên tuyến đường ra vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…
Ngoài ra còn có Dự án mở rộng QL50 nhằm giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông cửa ngõ từ TPHCM đi Long An, Tiền Giang; Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài nhằm giải quyết tình trạng quá tải trên tuyến QL22, từ TPHCM đi Tây Ninh.
Một danh sách công trình giao thông rất dài nói trên rất cần được triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, nhưng nguồn vốn để đầu tư đang là vấn đề khó đối với TPHCM. Những năm trước, TPHCM thường linh hoạt sử dụng phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”, nhưng đến nay, nhiều quy định mới đã không cho phép.
Chưa kể, quỹ đất của TPHCM ngày càng hạn hẹp; công tác giải phóng mặt bằng gặp khó do nhiều chính sách về đền bù bất cập. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia về giao thông đề xuất, đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, cố gắng có mặt bằng mới bắt tay vào xây dựng, tránh tình trạng vừa làm vừa chờ giải phóng mặt bằng vì như vậy sẽ khiến chi phí đội lên rất nhiều dẫn đến càng khó khăn về vốn.
Sở GTVT TPHCM vừa kiến nghị UBND TPHCM giao sở chủ trì tổ chức lập điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, đã duyệt dự án, đang triển khai thực hiện cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư do tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp chưa có thông báo về kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị giao các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất các dự án được đầu tư theo hình thức Đối tác công - tư (PPP) theo quy định. |