Thị trường vàng trong nước và thế giới kết thúc tuần giao dịch với mức tăng ấn tượng. Giới phân tích dự báo kim loại quý vẫn trong xu hướng đi lên trong tuần tới.
Ở phiên đầu tuần, giá vàng trong nước hầu như ít biến động trong bối cảnh giá vàng tại thị trường châu Á giảm khi các nhà đầu tư bán ra chốt lời cho dù các ngân hàng trung ương trên thế giới triển khai nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế để ứng phó các tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Phiên 24/3, giá vàng trong nước bất ngờ tăng tốc theo giá vàng thế giới và vượt mốc 47 triệu đồng/lượng. Trong đêm trước 23/3, giá vàng thế giới tăng hơn 4% sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra các biện pháp mới mạnh mẽ nhằm chống lại tác động kinh tế của dịch COVID-19, qua đó giúp thúc đẩy tâm lý của giới đầu tư.
Giá vàng thế giới tăng tiếp hơn 5% trong đêm 24/3, khi nhà đầu tư phản ứng tích cực trước gói nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, qua đó giúp ngừng hoạt động bán tháo trên thị trường. Giá vàng trong nước theo đó cũng tiếp đà tăng và tiến về mốc 48 triệu đồng/lượng.
Đến phiên giao dịch đêm 26/3, giá vàng thế giới tăng lên mức cao của 2 tuần, sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng kỷ lục đã gây áp lực lên đồng USD và làm tăng đồn đoán về các biện pháp kích thích hơn nữa. Giá vàng trong nước theo đó cũng tăng tốc trong phiên 27/3, có thời điểm kim lọại quý vượt mốc 48 triệu đồng/lượng.
Sáng nay (29/3), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,1-47,92 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 46,85-47,75 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng trong nước điều chỉnh tăng khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng ghi nhận một tuần tăng giá ấn tượng chủ yếu nhờ thông tin về các gói kích thích khổng lồ tại Mỹ. Với mức tăng hơn 9,5% trong cả tuần, giá vàng ghi nhận tuần tăng cao nhất kể từ tháng 9/2008 tới nay.
Nhà phân tích Suki Cooper của Ngân hàng Standard Chartered cho biết thị trường vẫn đang tìm cách đánh giá tác động của việc nhiều quốc gia tiến hành các lệnh phong tỏa và tạm ngừng hoạt động kinh doanh đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, giá vàng càng có thêm cơ sở để tăng cao hơn dựa trên những đồn đoán về các gói kích thích tiếp theo và những số liệu kinh tế không mấy lạc quan sắp tới.
Theo chuyên gia này, giá vàng vẫn có xu hướng đi lên trong thời gian tới (không tính hoạt động chốt lời). Bà nhận định giá vàng sẽ ở mức trung bình 1.725 USD/ounce trong quý 2/2020.
Trong khi đó, chiến lược gia đầu tư cao cấp Rob Haworth của công ty dịch vụ tài chính U.S. Bank Wealth Management cho biết xu hướng biến động của giá vàng có thể tiếp tục diễn ra theo cả hai hướng lên và xuống.
Giá vàng sẽ đi lên khi các ngân hàng trung ương đẩy bảng cân đối tài chính của mình lên mức tương đương thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hơn thế nữa, việc thanh khoản dồi dào và lãi suất thực tế rất thấp cũng hỗ trợ đẩy giá vàng lên cao hơn.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế toàn cầu thu hẹp cùng căng thẳng trong chi tiêu kinh doanh và tiêu dùng đang tạo áp lực lên thị trường tài trợ vốn bằng đồng USD - một yếu tố tiêu cực đối với giá vàng và cả nhà đầu tư.
Nếu các nhà đầu tư tiếp tục phản ứng trước các chính sách giãn cách xã hội ngày càng gia tăng, giá vàng có thể chịu rủi ro theo hướng đi xuống.