Theo kết quả khảo sát do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố tháng 8-2019, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về tỷ lệ giới trẻ khao khát trở thành doanh nhân, làm chủ doanh nghiệp. Theo đó, cứ 20 bạn trẻ Việt, có 5 bạn mơ làm chủ doanh nghiệp, tức chiếm 25%. Nhìn rộng ra, xu hướng muốn làm chủ của các nhóm chủ thể khác có thể tương tự. Trong khi đó, số liệu năm 2016 cho thấy, tỷ lệ lao động tự doanh ở Nhật Bản 10,6%, Mỹ 6,4%.
Nhìn chung, số người trẻ, kể cả người có trình độ, vẫn thích tự tạo công việc cho mình, tự làm chủ và thường muốn mình làm chủ người khác. Nhất là khi toàn xã hội khích lệ thanh niên đẩy mạnh khởi nghiệp, tinh thần này lại càng cao hơn. Về lý do, bên cạnh khẳng định vị trí xã hội (không mang tiếng là lệ thuộc người khác), khao khát làm giàu và giàu nhanh cũng khá phổ biến.
Đương nhiên, để đánh giá chính xác tỷ lệ “tự làm chủ” cần có các khảo sát đầy đủ, khoa học, nhưng nhìn chung khá đông lao động người Việt có xu hướng tự mình làm chủ công việc của mình. Điều này có thể thấy qua việc nhiều người chọn việc chạy xe ôm công nghệ, đi bán hàng dạo, tự bán hàng qua mạng… thay vì đi làm thuê.
Chẳng hạn, với nhiều người chạy xe ôm, thời gian làm việc của họ thường khoảng 12 giờ/ngày, với cường độ làm việc khá cao, thu nhập bình quân khoảng 400.000 đồng/ngày. Một số người cho rằng mức thu nhập này khá cao so với làm công nhân hoặc đi làm phụ hồ, lại được chủ động thời gian, ít bị gò bó về áp lực tiến độ, yêu cầu kỷ luật hoặc các đòi hỏi khác theo nội quy lao động.
Tuy nhiên, nhìn ở cường độ làm việc, người chạy xe ôm phải hoạt động nhiều giờ hơn công nhân, không có ngày nghỉ, không có chế độ nghỉ phép, nghỉ ốm… Chưa kể chạy xe ôm có ngày đắt khách nhưng cũng có lúc không có khách. Bên cạnh đó, vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp… đang là câu chuyện lớn đối với lao động tự do
Điều đáng chú ý, sau dịch Covid-19, tình hình kinh tế hồi phục khá chậm, số người chưa tìm được việc làm hoặc bị mất việc làm tăng khá nhiều trong quãng thời gian từ giữa năm 2022 đến nay. Nhiều người để mưu sinh đã chọn các công việc tự làm chủ, như chạy xe ôm, mở quán ăn uống ở lề đường, bán hàng qua mạng, bán hàng rong…
Ở các khu vực có đông dân cư thuộc nhóm bình dân, gần đây hoạt động bán hàng có chiều hướng sôi động hơn; một số người chỉ cần bỏ một ít vốn để bày xe nước mía, quầy trái cây, tủ bánh mì… nếu chịu khó có thể có đồng ra đồng vào trước khi tìm được công việc có thu nhập tốt. Và một trong giải pháp xóa đói giảm nghèo trước đây hay giảm nghèo bền vững hiện nay cũng thường là trang bị phương tiện kiếm sống bằng cách tạo điều kiện để người nghèo tự làm chủ công việc của mình.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, xu hướng tự làm chủ chưa hẳn là tín hiệu tích cực về lao động nói riêng và về phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Một số người tự tạo công việc của mình không hoàn toàn do xuất phát từ nguyện vọng hay nhu cầu, cũng như không hẳn có đủ những điều kiện về các mặt (vốn, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm…), mà chủ yếu do bức bách của cuộc sống hoặc bị ảo tưởng về khả năng kiếm tiền nhanh, làm giàu dễ.
Bên cạnh đó, tính bền vững, căn cơ của hầu hết công việc do tự tạo ra thường rất thấp, từ đó thu nhập bấp bênh, khả năng phải đổi việc thường xuyên, dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhất là với trường hợp người thuộc diện hộ nghèo nhờ hỗ trợ phương tiện kiếm sống rồi tự mình làm chủ công việc của mình, nếu không thể trụ được với công việc đó, nguy cơ tiếp tục nghèo hoặc tái nghèo rất lớn.
Về vĩ mô, hiện tượng nhiều người tự tạo việc làm mà không có các loại bảo hiểm, sẽ tạo nên gánh nặng cho xã hội khi có rủi ro hoặc sau khi không thể làm việc được. Thực chất, người tham gia đóng bảo hiểm xã hội không chỉ “gửi” một khoản vốn để khi nghỉ làm việc hoặc hết tuổi lao động sẽ nhận được lương hưu (hưởng một lần hoặc hằng tháng), còn tham gia đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội để chăm lo cho người khác.
Khi xã hội có nhiều người không đóng bảo hiểm xã hội, bản thân người đó sẽ không có lương hưu, đồng thời quỹ bảo hiểm xã hội cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh dân số ngày càng già, gánh nặng bảo hiểm xã hội thực sự là vấn đề đáng quan tâm. Ngoài ra, việc dự phòng nguồn để chăm lo người lao động tự do khi có ốm đau, tai nạn cũng hoàn toàn dựa vào sự tự thân của người đó và gia đình, thay vì được các loại quỹ chi trả.
Xét về lâu dài và bền vững, xã hội không chỉ quan tâm đến việc tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, còn phải gắn người lao động với các tổ chức, các ràng buộc của xã hội. Có thể vẫn khuyến khích những người có đủ điều kiện tự tạo công việc cho bản thân, song cũng cần hạn chế các trường hợp tuy có công việc nhưng tiềm ẩn những bất lợi về sau.
Thời gian qua, việc biểu dương những cá nhân làm giàu và tạo việc làm cho nhiều người khác đã được thực hiện khá thường xuyên, nay cần tiếp tục phát huy. Đồng thời, nên giảm các hỗ trợ cho người lao động tự làm chủ nếu vẫn còn giải pháp khác tốt hơn. Thí dụ, hỗ trợ người nghèo mua xe bánh mì, cần cân nhắc việc này có góp phần tạo thu nhập nuôi sống gia đình; xe bán bánh mì đó có lấn chiếm vỉa hè, tạo hình ảnh không đẹp về mỹ quan đô thị; khả năng người được hỗ trợ có gắn bó với công việc này… Từ đó có thể chú trọng việc tìm công việc khác ít có những tác động không hay tương tự.