Vùng Đông Nam bộ hiện đang đối mặt với tình trạng môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng vì rác thải. Trong bối cảnh ấy, vài năm trở lại đây, tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), CTCP Môi trường Đồng Xanh (DOXACO) đã mạnh dạn áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại, thu hồi tái chế các sản phẩm, giảm diện tích chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường khu đô thị lớn ven sông Đồng Nai.
Công nghệ thân thiện môi trường
Năm 2009, tại khu phố 3, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, người dân địa phương vô cùng phấn khởi khi Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Đồng Xanh (chủ đầu tư DOXACO) đi vào hoạt động. Ban giám đốc DOXACO đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp, hoàn thiện dây chuyền sản xuất phân vi sinh có chất lượng cao, thân thiện môi trường; hoàn thành hệ thống xử lý nước rỉ rác, bảo đảm an toàn cho môi trường trong và ngoài nhà máy. Trước đó, khi Đồng Xanh thuộc chủ đầu tư khác, vấn nạn ô nhiễm không khí, bụi bặm tràn lan đã khiến nhiều người trong vùng bức xúc và kiến nghị chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.
Trao đổi với ĐTTC, đại diện lãnh đạo DOXACO cho biết Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Đồng Xanh sử dụng công nghệ Dano của Đan Mạch bằng dây chuyền hiện đại, khép kín. Đây là công nghệ xử lý rác tiên tiến của châu Âu. Ưu điểm của công nghệ này là kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm; cung cấp nguồn oxy, tạo điều kiện tối ưu nhất giúp vi sinh vật có ích phát triển để đẩy nhanh quá trình phân hủy rác, đồng thời tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh có trong rác, như vi khuẩn đường ruột, trứng giun sán và các loại nấm mốc…
Chỉ trong vòng 16 giờ, rác tươi với nhiều mầm bệnh đã thành rác hữu cơ sạch. Rác hữu cơ này sau đó được tiếp tục sàng lọc và ủ trong 4 tuần để trở thành rác thành phẩm, dùng làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh. Sau xử lý, phần rác trơ còn lại khoảng 30% được chôn lấp; rác vô cơ như nylon, kim loại, thủy tinh… được tuyển lựa và thu hồi tái chế tạo ra sản phẩm hữu ích cho xã hội.
Đến thời điểm đầu tháng 10, tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên DOXACO đã đưa nhà máy đi vào hoạt động ổn định và đang trên đường phát triển. Có thể nói, Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Đồng Xanh mang tầm quan trọng và có ý nghĩa rất lớn cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng. Đó là cải tạo được môi trường của phường Trảng Dài nói riêng và TP Biên Hòa nói chung ngày càng thêm xanh, sạch; đồng thời khẳng định DOXACO là một doanh nghiệp có tiềm năng lớn về xử lý môi trường.
Theo ghi nhận, trên bình diện cả nước, DOXACO đang là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi sở hữu máy móc thiết bị xử lý rác hiện đại theo công nghệ của Đan Mạch. Công nghệ xử lý rác này có thể tận dụng nguồn hữu cơ có trong rác để sản xuất phân vi sinh phục vụ cho ngành nông nghiệp và tận dụng các vật liệu tái chế từ chất thải nhằm tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội, góp phần giải quyết tình trạng quá tải của bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt ở tỉnh Đồng Nai, hạn chế tình trạng chôn lấp rác, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Tính đến nay, DOXACO đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng xây dựng và mua sắm máy móc thiết bị, nhằm hoàn thiện toàn bộ quy trình xử lý rác thành phân vi sinh; xây dựng nhà xưởng có mái che toàn bộ khu vực xử lý rác, bãi ủ phân, sản xuất phân vi sinh; xây dựng đường nội bộ, hệ thống cống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác; hệ thống thu gom xử lý mùi hôi, lắp đặt dây chuyền tách, tuyển lựa rác đầu nguồn, dây chuyền sản xuất phân vi sinh…
Điều đáng ghi nhận ở đây chính là sự nỗ lực để vực dậy một nhà máy xử lý rác từng đứng bên bờ vực phá sản từ năm 2009, biến nó thành nhà máy hiện đại, thân thiện với môi trường và bề thế như hôm nay.
Vì một cộng đồng xanh - sạch - đẹp
Hiện nay, DOXACO đang tiếp nhận và xử lý 250 tấn rác/ngày (tương đương 50% lượng rác thải sinh hoạt toàn TP Biên Hòa), sản xuất phân vi sinh đạt 50 tấn/ngày, tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương. DOXACO đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, hoàn thiện quy trình xử lý rác và nâng công suất xử lý rác sinh hoạt của nhà máy từ 250 tấn lên 500 tấn/ngày, sẵn sàng tiếp nhận thêm rác theo nhu cầu của tỉnh Đồng Nai.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết trong thời gian qua, các phòng chức năng đã đi kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại Đồng Xanh. Qua kiểm tra cho thấy DOXACO đã đầu tư công nghệ xử lý rác phù hợp, có hệ thống xử lý nước rỉ rác riêng biệt, sản xuất được phân vi sinh, môi trường tại nhà máy đã được cải thiện và ngày càng tốt hơn.
Hơn nữa, việc DOXACO đầu tư xây dựng nhà máy xử lý và tái chế rác thải thành phân vi sinh, giảm tỷ lệ chôn lấp rác đã đi đúng chủ trương của tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, DOXACO đã tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào hoạt động các khu xử lý rác thải sinh hoạt theo quy hoạch của tỉnh với công nghệ hiện đại, hạn chế tối đa việc xử lý bằng phương pháp chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Dây chuyền sản xuất phân vi sinh. |
Lãnh đạo DOXACO khẳng định, để xứng đáng với sự tín nhiệm của chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai, DOXACO sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, cải tiến và phát triển công nghệ, nắm bắt những cơ hội phát triển, nhằm giúp cộng đồng giảm đi nỗi lo về rác thải tại các bãi rác tạm; góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp cho TP Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung.
DOXACO đã tiếp nhận Nhà máy xử lý và tái chế rác thải cũ (với diện tích 5ha) vào năm 2009, sau đó đổi tên thành Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Đồng Xanh. Công ty đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý rác thải thành phân vi sinh; hệ thống xử lý nước rỉ rác và tái sử dụng nước thải sau xử lý; hệ thống thu gom và xử lý khí thải bằng tháp sinh học, nhà xưởng có mái che… Tháng 8-2014, sau khi tiến hành giám sát, đo đạc, thu mẫu môi trường tại DOXACO, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai đánh giá công ty đã thực hiện tách riêng triệt để tuyến thu gom nước mưa, nước thải; nước rỉ rác được thu gom về hệ thống xử lý nước thải; nước thải sau xử lý được tái sử dụng và tuần hoàn về hệ thống xử lý nước thải; bùn phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải được sử dụng cho quá trình sản xuất phân bón. Đối với mùi hôi phát sinh chủ yếu từ khu vực tiếp rác đầu và các khu vực chứa rác, công ty đã khắc phục bằng cách tăng cường phun các chế phẩm sinh học để giảm thiểu mùi hôi, đồng thời đã lắp đặt toàn bộ tấm vật liệu che phủ tại các khu vực phát sinh mùi hôi, do đó mùi hôi đã giảm nhiều so với trước đây. |