Nhiều khả năng CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2011. Mặc dù vậy, giá của CP SMC trên TTCK lại đang giảm xuống dưới mệnh giá, điều chưa từng xảy ra từ khi công ty niêm yết. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC, về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Ông lý giải thế nào về diễn biến của TTCK và CP ngành thép trong thời gian qua?
Ông NGUYỄN NGỌC ANH: - Những diễn biến của TTCK thời gian gần đây biểu hiện ở việc một số quỹ nước ngoài đến thời hạn chấm dứt hoặc chịu áp lực chấm dứt hoạt động nên đã tiến hành thoái vốn. Các doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình thu hồi vốn đầu tư trong chứng khoán nên buộc lòng phải xử lý.
Một số NĐT và CTCK gặp vấn đề về thanh khoản, không có nguồn tiền để sử dụng nên buộc phải xoay sở. CP nào có tính thanh khoản cao sẽ được ưu tiên bán trước, bất chấp giá nào cũng bán. Trong nhóm CP thép, có doanh nghiệp có quy mô, thương hiệu lớn, nhưng giá CP cũng về gần mệnh giá.
Riêng SMC có những ngày bị quỹ đầu tư nước ngoài bán ra, cũng có những cổ đông mua vào tại khu vực 1.2-1.4, nhưng càng mua vào lực bán ra càng mạnh. Còn những CP trên thị trường OTC có giá cao, nhưng ít người mua và thực chất đây chỉ là chiêu tay phải bán cho tay trái để làm giá cho oai?
Vừa rồi tôi đã đề xuất với ban tổng giám đốc mua vào 300.000 CP SMC, nếu ai không đủ điều kiện tôi sẽ cố gắng “theo” một mình.
Nhưng bộ phận tài chính kế toán lại đề nghị, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cho dù cá nhân xoay tiền mua vào cũng không ảnh hưởng đến công ty nhưng “một cánh én cũng khó làm nên mùa xuân”. Vì vậy, chúng tôi dự tính khi thấy khi thị trường ổn định trở lại, chưa cần có xu hướng lên, lúc đó sẽ mua vào và có thể mua mạnh.
- Từ trước đến nay SMC chưa bao giờ mua CP quỹ?
- Nhiều CBCNV, cổ đông cá nhân hỏi tôi làm cách nào để cứu giá CP. Thú thực, nhìn giá CP xuống tôi thấy rất đau lòng khi nhiều người trong công ty bị thua lỗ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều thời điểm giá SMC xuống tôi đều đăng ký mua vào vài trăm nghìn CP.
Có một điều mà từ khi lên sàn đến nay SMC đều thực hiện rất nghiêm túc, đó là khi tôi, hay các thành viên trong ban giám đốc hoặc HĐQT khi đã đăng ký mua là mua thực, mua bằng hết chứ không có chuyện công bố hão. Và một điều nữa là khi giá CP xuống, chưa bao giờ nội bộ SMC đem CP ra bán.
Kiểm tra sản phẩm thép tại nhà máy SMC. Ảnh: T. DUY |
Về chuyện mua CP quỹ, tôi xin chia sẻ câu chuyện về một đối tác nước ngoài: Vì nhiều lý do khác nhau nên họ chỉ muốn mua CP từ tôi hoặc từ doanh nghiệp. Họ đề nghị tôi mua CP quỹ rồi bán cho họ, 2.0 họ cũng sẵn sàng mua.
Tức nếu bây giờ SMC mua CP quỹ là có lời. Nhiều người sốt ruột hỏi sao không mua CP quỹ nhưng tôi và anh em trong bộ phận kế toán đã suy nghĩ và thấy rằng năm trước mình mới đấu giá, bán ra ngoài 2.3 giờ lại đi mua vào 0.9-1.0 là đánh sau lưng cổ đông, bán cho người khác giá cao rồi lại mua trở lại giá thấp. Nếu tôi làm việc này tức tôi đã thu lãi trên lưng cổ đông và đây là điều không nên.
- Ông có thông điệp nào muốn chuyển đến các cổ đông hay NĐT quan tâm đến CP SMC?
- SMC là một doanh nghiệp thương mại, phân phối sản phẩm thép trong tình hình ngành bất động sản, xây dựng gặp khó nên nhiều người sẽ quan tâm đến vấn đề thu hồi công nợ của công ty. Hồi tháng 6, với chủ trương bán hàng là quan trọng, thu nợ là quyết định, chúng tôi đã lập ra ban quản lý và kiểm soát rủi ro, quyết liệt thu hồi công nợ từ thời điểm đó cho đến nay.
Khách hàng của SMC trong những năm qua đều được chọn lọc rất kỹ, chúng tôi đã xây dựng những quy trình đánh giá cũng như cấp tín dụng cho khách hàng một cách khoa học. Vì vậy, SMC vẫn đảm bảo được thị phần nhưng kiểm soát tốt dòng tiền.
Tính đến tháng 11, tình hình công nợ của SMC không có gì đáng báo động. Hiện chúng tôi chỉ có khoảng 10% nợ quá hạn, đây là tỷ lệ được tính toán kỹ lưỡng và cẩn trọng. Trong cơ cấu nợ quá hạn, có khoảng 20% nợ khê đọng (nợ quá hạn trên 6 tháng), xấp xỉ 20 tỷ đồng.
Hiện giờ, tổng công nợ của SMC đang vào khoảng 900 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm nay sẽ giảm xuống còn khoảng 700 tỷ đồng và đến Tết Âm lịch sẽ còn khoảng 500 tỷ đồng, chỉ cao hơn chút ít so với năm 2010 là 450 tỷ đồng.
Rõ ràng là tôi không thể nói cổ đông đừng bán ra SMC nữa khi thị trường xấu. Nhưng tôi mong các cổ đông sớm trấn tĩnh vì hàng hóa trên TTCK không phải là cá mè một lứa, có nhiều CP xấu, nhưng cũng không ít CP tốt và điều này sẽ được phân hóa rõ rệt.
- Xin cảm ơn ông.