Ngoài những thách thức như vốn, thị trường,yếu tố tinh thần cũng là “tử huyệt” của doanh nghiệp. Cuối năm 2011, nhiều doanh nghiệp đã lên một kế hoạch đi kèm với những giả định bi quan cho năm 2012, nhưng thực tế u ám hơn cả dự báo. Những ngành nghề như bất động sản, vật liệu xây dựng, chứng khoán... đã lâm vào khó khăn chồng chất và đến nay vẫn chưa có lối ra.
Giảm lương: Dễ nhất và dở nhất
Việc căng mình “chiến đấu” trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa thể vượt qua khó khăn, sẽ dẫn đến tinh thần làm việc suy giảm và xuất hiện tâm lý thụ động, ngồi chờ. Khi doanh nghiệp thụ động đồng nghĩa với việc “tách mình” ra khỏi thị trường và sau này nếu kinh tế hồi phục cũng chưa chắc đã đủ độ nhạy bén để quay lại kịp thời thích nghi.
Hiện tượng mất tinh thần làm việc thực ra không chỉ có ở những doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản hay đóng cửa, giải thể, mà ngay tại những doanh nghiệp sống từ mức “tạm được” cho đến “khỏe” cũng đối mặt với rủi ro này.
Một trong những dấu hiệu thấy rõ nhất khi công ty bị mất tinh thần là thời gian và năng suất làm việc của nhân viên giảm. Một nhân viên hàng tháng vẫn nhận lương đầy đủ, không bị giảm, nhưng thời gian làm việc giảm từ 8 giờ xuống còn 4-5 giờ mỗi ngày, tất yếu sẽ sinh ra sức ì, từ đó dẫn đến sự thiếu tự tin, hay nghĩ ngợi, phát sinh nhiều lo âu và cuối cùng là mất tinh thần.
Mất tinh thần cũng có thể dẫn đến những xung đột không đáng có trong nội bộ giữa nhân viên với nhân viên, nhân viên với lãnh đạo và hệ quả là những cuộc đình công, lãn công, bỏ việc không đáng có xảy ra.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng có thể là một tác nhân khiến tinh thần nhân viên bị suy giảm. Tôi đã gặp một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãnh đạo các đơn vị này cho biết nguồn tích lũy đủ “nuôi quân” 2-3 năm nữa, nhưng lại tỏ ra thái độ khá chán nản, buông xuôi, tất yếu nhân viên cũng sẽ “học” theo.
Cũng có những vị sếp khi không tìm ra ý tưởng nào đột phá, lại áp dụng một cách máy móc những biện pháp khắc khổ với nhân viên, tiêu biểu là chuyện cắt giảm lương và mạnh tay sa thải. Rất nhiều trường hợp khi doanh nghiệp lâm vào thế khó, đã họp với các phòng ban bàn kế hoạch tái cấu trúc để tinh giảm nhân sự, chi phí…
Và cuối cùng cắt vào đâu thấy cũng khó vì “đụng chạm”, nên quyết định làm cái dễ và cũng là dở nhất là giảm lương. Cắt hay giảm lương là một trong nhiều nhánh để tái cấu trúc, nhưng đây là nhánh “nhạy cảm” nhất không nên thực hiện đầu tiên. Cùng là cắt giảm tại sao không thanh lọc nhân sự để tạo sự công bằng.
Các “sếp” phải đặt mình vào “lính”
Theo tôi, cơ sở để giữ hoặc vực dậy tinh thần của doanh nghiệp phải bắt nguồn từ sự chủ động trong suy nghĩ, việc làm. Các “sếp” cần phải đi đầu, từ việc hiểu thị trường đến cập nhật lại tình hình thực tế và phải có sự đồng cảm với những khó khăn của “lính”.
Khi tư vấn cho một số doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh trong năm nay, tôi đã đề ra ý tưởng bộ phận hành chính-nhân sự phải đi xuống nhà máy, đi ra thị trường để hiểu rõ hơn về công việc.
Hiểu được khó khăn của nhân viên cũng là động lực để lãnh đạo doanh nghiệp thêm quyết tâm trong việc tìm ra những giải pháp tái cấu trúc, vượt khó. Những quỹ thời gian trống cần tận dụng để tự đào tạo nội bộ, nâng cao nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm lẫn nhau và đồng thời củng cố tính đoàn kết của doanh nghiệp.
Việc cắt giảm cũng cần có “nghệ thuật”, ở đây cần phân loại chi phí thành 2 loại hợp lý (tốt) và không hợp lý (xấu) để tính toán liều lượng. Nếu doanh nghiệp có lãi vay chiếm tỷ trọng chủ yếu trong chi phí, vấn đề cần làm là giảm thiểu nợ vay, còn cắt lương, thưởng, điện nước 5-10% có khi đem lại hiệu ứng ngược khi năng suất làm việc của nhân viên lại giảm 15-20%. Khi cắt giảm, tính minh bạch phải đặt lên hàng đầu.
Thí dụ: Nếu doanh nghiệp tính toán rằng, quỹ lương giảm khoảng 10% sẽ đảm bảo công ty không bị lỗ cần phải truyền thông điệp rõ ràng đến nhân viên. Cũng có thể áp dụng biện pháp khoản cắt giảm được xem như tiền nhân viên cho công ty vay và khi vượt qua khó khăn sẽ được hoàn trả. Như vậy, nhân viên có thể ý thức được sự hy sinh của mình là vì lợi ích chung.
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp muốn tồn tại buộc phải giữ được tinh thần làm việc. Có tinh thần, doanh nghiệp mới có động lực để vượt khó, để tiến hành tái cấu trúc. Ngược lại, nếu không duy trì được “nhiệt”, doanh nghiệp có thể mắc sai lầm không đáng có rồi sa lầy một cách chóng vánh.