Những cuốn sách này nói về những công nghệ mới ra đời đã được triển khai, áp dụng trong cuộc sống thông qua sự ra đời của những công ty công nghệ tài chính - fintech lớn mạnh, những ngân hàng số đầu tiên của thế giới, những đồng tiền số không chỉ của chính ngân hàng trung ương của các nước phát hành mà còn chính từ những tổ chức lớn. Việc giới thiệu này mong muốn chuyển tải quan điểm: “Những doanh nhân thông minh thường thành công bởi họ nghe lời khuyên trước. Họ tìm ra quy tắc của trò chơi là gì và tổ chức nó một cách phù hợp” – Paul Jacobs.
Nếu bạn không biết quy tắc của một trò chơi, nếu bạn không dành thời gian tìm hiểu chúng, làm sao bạn có thể mong đợi vào một chiến thắng trong tương lai? Nếu bạn không nghĩ về việc thích nghi, đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể thành công.
Bạn sẽ luôn lo lắng làm thế nào để sống sót. Chính vì lẽ đó, cuốn sách với tựa đề có vẻ hơi kịch tính và sáo rỗng nhưng nó lại là cách đơn giản nhất để thể hiện thực tế mà chúng ta phải đối mặt: “Số hóa hay là Chết - Digitize or Die”.
Kết nối vạn vật (IoT) đã và đang cải thiện cách chúng ta tiêu thụ, sản xuất, phân phối… Thế giới của chúng ta sẽ trở nên khác biệt hơn so với thế hệ con cái chúng ta. Thế giới sẽ ngày càng gắn liền với điện tử, số hóa, phân quyền... Số hóa chính là chất xúc tác cho sự thay đổi. Làn sóng đầu tiên của internet đã kết nối con người với con người, cải tiến cách chúng ta sống và kết nối với những người khác.
Làn sóng tiếp theo sẽ là kết nối con người với máy móc và máy móc với máy móc, nó đang diễn ra ngay lúc này với quy mô và tốc độ chưa từng có. Sự kết nối đang lan rộng với cấp số mũ này - cùng với sự kết hợp của di động, điện toán đám mây, cảm biến, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng - sẽ thay đổi cách chúng ta sống và tương tác với môi trường.
Đổi lại, sự chuyển đổi này sẽ cho phép các doanh nghiệp phục vụ khách hàng tốt hơn bằng cách đưa ra những giải pháp thích hợp hơn cho từng vấn đề và thách thức cụ thể trong kinh doanh.
Cuốn sách của tác giả Nicolas Windpassinger “Số hóa hay là chết” là tất cả về IoT. Ngoài công nghệ IoT, cuốn sách này còn đề cập đến cách IoT làm thay đổi phương thức hoạt động của các công ty với các chiến lược tái thiết, kế hoạch tiếp thị, và các danh mục đầu tư trong thập niên tới đây để họ có thể tồn tại và phát triển tốt hơn.
Nicolas cho rằng một số công ty sẽ xem sự thay đổi này là mối đe dọa, và do đó sẽ quyết định gắn bó với mô hình kinh doanh truyền thống đã mang lại lợi nhuận cho họ. Ngược lại, một số doanh nghiệp khác sẽ coi việc số hóa là sự gián đoạn cần thiết và quan trọng cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, như thường lệ.
Như vậy, điểm khởi đầu cho bất kỳ thay đổi nào là nắm được quy tắc của trò chơi. Đó là những gì Nicolas đã làm sáng tỏ trong cuốn sách Số hóa hay là chết, ông viết như một người thực hành đang tự mình đối mặt với các thách thức sự sáng tạo, đổi mới.