Vốn là vấn đề tồn tại hay không tồn tại đối với doanh nghiệp, song hiện không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, trong khi các ngân hàng, Tổ chức tín dụng luôn e ngại rủi ro nợ xấu.
Ông Hồ Thành Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC nêu thực tế, nhu cầu vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu, vì thế, rất cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
Theo ông Tùng: "Bản thân Tập đoàn công nghệ CMC là doanh nghiệp lớn, có hệ thống quản trị tốt, hệ thống tài sản cũng như kế hoạch kinh doanh khá tốt. Chúng tôi thực sự không băn khoăn gì nhiều về làm việc với ngân hàng để lấy dòng vốn.
Nhưng đối với các doanh nghiệp là khách hàng của chúng tôi, năng lực về quản trị, năng lực về chuyển đổi số, năng lực về thông tin và trình bày kế hoạch kém hơn rất nhiều thì rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tôi nghĩ chúng ta cần hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các chương trình thúc đẩy khai thông nguồn vốn".
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết, điểm nghẽn đồng thời là điểm nóng hiện tại, trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn. Do đó Chính phủ cần có quyết sách đặc biệt để vượt qua được thách thức này.
"Vốn là vấn đề tồn tại hay không tồn tại của doanh nghiệp, doanh nghiệp sợ nhất là những “cú phanh gấp”, tức là những chính sách không lường trước được. Giai đoạn Covid-19, chúng ta đã giải tốt bài toán khó rồi, nhưng tôi cho rằng sắp tới đây giải bài toán về vốn cũng không hề đơn giản. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt, chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này" - ông Công chia sẻ.