Ngành cơ khí chế tạo là trái tim của các ngành công nghiệp, mà công nghiệp là trái tim của ngành kinh tế. Trên danh nghĩa ngành cơ khí được ưu tiên phát triển, nhưng thực tế, các chính sách cụ thể của Nhà nước khiến ngành cơ khí chế tạo không thể phát triển tốt.
Thực trạng
Ngành cơ khí chế tạo vẫn được lãnh đạo các cấp xác định là ngành mũi nhọn cần phát triển vì đây là ngành chế tạo ra phụ tùng, máy móc, thiết bị, khuôn mẫu để phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa khác. Tuy nhiên, các chính sách lâu nay đối với ngành cơ khí chế tạo là ngược lại, kìm hãm sự phát triển của ngành cơ khí nên ngành cơ khí Việt Nam hiện nay nói chung là yếu so với sự phát triển của nền kinh tế.
Các ngành sản xuất khác nói chung rất sợ hàng nhập lậu trốn thuế cạnh tranh, riêng ngành cơ khí chế tạo lại sợ hàng nhập chính ngạch không thuế, trong khi hầu hết các ngành công nghiệp khác nếu trong nước đã sản xuất được thì khi nhập khẩu phải chịu thuế. Thực tế này đã làm ngành cơ khí Việt Nam không có điều kiện phát triển.
Hiện nay, do sự đầu tư của các DN Nhật Bản và một số nước khác tại Việt Nam nên nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tăng lên. Nhu cầu mua linh kiện, phụ tùng của các công ty ở nước ngoài như Hoa Kỳ, Canada, EU cũng tăng, nên nhu cầu thị trường cho ngành cơ khí khá tốt. Tuy nhiên, ngành cơ khí chế tạo đã chịu nhiều sức ép từ rất lâu và phần lớn là các DNNVV nên trong quá trình suy thoái kinh tế đã bị giảm đáng kể nguồn lực vốn.
Một số ít DN có năng lực, tâm huyết đã đầu tư một số máy móc thiết bị, công nghệ chính xác cao, có thể đáp ứng nhu cầu này để phát triển nhưng vẫn chịu nhiều áp lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam với ưu thế vốn, công nghệ và thị trường quen thuộc. Lấy ngành chế tạo ô tô so với chế tạo máy, khuôn mẫu sẽ thấy rõ sự vô lý của chính sách.
Thuế nhập ô tô, xe máy cao hơn nhiều so với thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng nên sản xuất trong nước có lợi thế phát triển. Tuy nhiên, vì thuế nhập linh kiện, phụ tùng không đủ cao, nên các nhà sản xuất ô tô đã nhập khẩu linh kiện để lắp ráp, thay vì đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô ở trong nước. Trong khi đó, với ngành chế tạo máy và khuôn mẫu, vì thuế suất nhập khẩu bằng 0 nên người ta chỉ nhập máy. Khuôn mẫu nhập khẩu có giá thấp hơn chế tạo trong nước, vì chế tạo trong nước phải nhập nguyên liệu.
Ngoài ra, các yêu cầu, nhu cầu của các DN FDI không đủ nhiều, không liên tục khiến việc đầu tư rất rủi ro, không đủ hấp dẫn các DN Việt Nam đầu tư thiết bị mới. Hiện nay, có nhiều DN nhỏ đầu tư làm công nghiệp phụ trợ cho các DN FDI lớn. Tuy nhiên, trong hệ thống các DN Nhật Bản, Đài Loan luôn có mạng lưới các DN phụ trợ trong nước đi theo. Do có sự ràng buộc, hỗ trợ lẫn nhau từ chính quốc, cạnh tranh với các đơn vị này là bài toán khó cho DN Việt Nam.
Kiến nghị
Tôi cho rằng Trung ương cần có chính sách riêng hợp lý cho ngành cơ khí phát triển, xem cơ khí là ngành đặc thù. Song song với việc đưa ra chính sách cần tổ chức bộ máy thi hành hiệu quả, bộ phận kiểm tra giám sát minh bạch và công khai thông tin. Phải tạo cơ hội, điều kiện cho các DN cơ khí trong nước phát triển, có nội lực, lúc đó họ mới có khả năng đầu tư đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Riêng tại TPHCM, lãnh đạo cũng đã có chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi cho các DN cơ khí, nhưng để lĩnh hội được nguồn vốn này thật sự là bài toán khó của các DN, vì thị phần chủ yếu dành cho hàng nhập khẩu với thuế suất bằng 0, còn ngành công nghiệp hỗ trợ chưa dám đầu tư nhiều vì chưa nắm chắc thị trường tiêu thụ.
Nhà nước cũng có trách nhiệm mở rộng thị trường bằng các chính sách làm tăng thị phần cho ngành cơ khí Việt Nam như tạo ra thị trường từ các gói đầu tư công như đường sắt, tàu điện ngầm… tránh tình trạng hầu như ngân sách đầu tư là mua sắm thiết bị nước ngoài. Tạo sự bình đẳng cho DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài về chính sách. Không thể để DN đầu tư nước ngoài được miễn giảm thuế, còn DN trong nước chịu thuế suất cao hơn.
![]() |
Chế tạo máy nổ tại Vinappro, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng |
Các cơ quan quản lý nhà nước cần có số liệu về tổng số các đơn vị cơ khí, quy mô ngành cơ khí, các loại ngành nghề cụ thể của cơ khí. Khảo sát thực trạng mới có hướng để giúp các DN. Vì Hội Cơ khí và Hội DN Cơ khí - Điện không có nguồn lực để làm việc này.
Các Hiệp hội DN Cơ khí làm việc với các Hiệp hội Các nhà đầu tư để làm rõ hơn thị trường thật sự cho công nghiệp phụ trợ của ngành cơ khí. Xây dựng các liên kết giữa các DN cơ khí để có đủ năng lực trở thành đối tác tin cậy của các DN FDI, cũng như các DN nước ngoài.
Các hiệp hội cơ khí cần sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành của Nhà nước để hỗ trợ lại các DN thành viên; tăng cường đào tạo nguồn lực cho các DN thông qua việc hỗ trợ công tác đào tạo lại; hỗ trợ các DN cơ khí xây dựng các phần mềm quản lý hệ thống sản xuất; tăng cường đào tạo về quản lý sản xuất chuyên ngành cơ khí - sản xuất phụ tùng.