Vì sao doanh nghiệp muốn dừng "3 tại chỗ"
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch hiệp hội nhựa Việt Nam, nhấn mạnh không thể tiếp tục duy trì 3 tại chỗ. Lý do chi phí để tổ chức sản xuất theo phương án này tăng cao, nhiều doanh nghiệp hiện đang buộc phải chịu lỗ để thực hiện phương án 3 tại chỗ, nhằm đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký kết. Tuy nhiên do sức ép về tài chính, các doanh nghiệp sẽ không thể triển khai giải pháp này trong dài hạn.
Cần phương án linh hoạt hơn phù hợp với từng doanh nghiệp, từng địa phương để duy trì sản xuất kinh doanh lâu dài giữa dịch bệnh.
Bên cạnh đó, khi các ca lây nhiễm tăng mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn, thì tại các nhà máy với quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông, việc áp dụng “3 tại chỗ” gặp rất nhiều rủi ro, dẫn đến phát sinh các ổ dịch mới
Cùng nhận định này, ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó Chủ tịch hội doanh nghiệp cơ khí điện TPHCM, cho rằng mô hình 3 tại chỗ không thể kéo dài quá 1 tháng. Ngoài gánh nặng chi phí quá lớn cho doanh nghiệp thì tâm lý người lao động cũng cần được quan tâm. Khi họ phải ăn, ở, làm trong nhà máy liên tục trong thời gian dài sẽ có sự bức bối, lo âu cho người thân, gia đình ở bên ngoài sẽ dẫn đến hiệu quả làm việc không như mong đợi.
Ông Duy cho rằng nên có nền tảng trao quyền phòng chống dịch cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ xây dựng những quy trình kiểm soát nghiêm ngặt vừa đảm bảo an toàn vừa nhẹ gánh hơn 3 tại chỗ. Với doanh nghiệp thì người lao động chính là tài sản quý giá nhất.
Có khá nhiều doanh nghiệp cũng mong mỏi có phương án mới, linh hoạt hơn phù hợp với từng doanh nghiệp, từng địa phương để duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch còn diển biến phức tạp như hiện nay.
Từng tỉnh sẽ đưa phương án sản xuất phù hợp thực tế, ưu tiên vaccine cho công nhân
Ưu tiên tiêm vaccine để người lao động yên tâm làm việc là giải pháp gỡ khó đầu tiên cho doanh nghiệp.
Trước khó khăn của các doanh nghiệp khi triển khai mô hình 3 tại chỗ, Bộ Công thương đã đề xuất với Bộ Y tế có điều chỉnh, đưa ra tiêu chí mới thay thế 3 tại chỗ.
Theo đề xuất của Bộ Công thương, Bộ Y tế cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh, để các doanh nghiệp có kế hoạch chủ động sản xuất. Đặc biệt, cần đưa công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine.
Trước khi có tiêu chí mới, ngày 12-8 Bộ Y tế ra văn bản đề nghị các UBND tỉnh, thành phố dựa trên đánh giá tình hình thực tế từng địa phương và hướng dẫn các doanh nghiệp lên kế hoạch, phương án chống dịch phù hợp để an toàn và sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Về xét nghiệm công nhân làm việc tại doanh nghiệp áp dụng 3 tại chỗ, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế địa phương hướng dẫn doanh nghiệp xét nghiệm sàng lọc và định kỳ hàng tuần. Nếu nhà máy không có ca mắc Covid-19 có thể xét nghiệm ít nhất 20% lao động bằng PCR mẫu gộp hoặc test nhanh, còn nếu có F0 thì xét nghiệm ít nhất 50% người lao động.
Theo các doanh nghiệp hiện nay giải pháp để doanh nghiệp có thể an tâm, chủ động hơn trong kiểm soát dịch chính là người lao động được tiêm vaccine ít nhất là một mũi. Khi đó có thể triển khai tốt hơn phương án 2 tại chỗ (ăn và làm việc tại chỗ). Doanh nghiệp có thể xây dựng quy trình kiểm soát dịch với những cam kết về cung đường của người lao động và sự hỗ trợ của địa phương.