Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm đến 50%, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu “cầu cứu” Chính phủ cho ngưng nhập khẩu, thậm chí lo nhà máy lọc dầu trong nước có nguy cơ ngưng hoạt động vì tồn kho quá lớn.
Tiêu thụ giảm 50%
Tại buổi họp với Bộ Công thương mới đây, ông Lê Xuân Huyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, và việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại nhiều tỉnh, thành phố lớn khiến tình hình kinh doanh các sản phẩm xăng dầu sụt giảm nghiêm trọng.
Tồn kho xăng dầu tăng mạnh tại kho thương nhân đầu mối kinh doanh lẫn kho 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Dung Quất - Quảng Ngãi và Nghi Sơn - Thanh Hóa).
Bổ sung, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), thông tin sản lượng tiêu thụ xăng E5 RON92 và dầu DO 0,05% hiện chỉ bằng khoảng 50% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6; xăng RON95 cũng chỉ đạt 30% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6. Thị trường đang tiếp tục giảm nếu các địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Sụt giảm tiêu thụ xăng dầu của thị trường nội địa khiến Petrolimex buộc phải hạn chế tiếp nhận xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu, thậm chí dừng nhập khẩu các mặt hàng mà 2 nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất được do tồn kho tăng cao.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất bị chững lại và giảm sâu, nhiều thương nhân đầu mối đã giảm hoặc dừng nhận hàng tại nhà máy với khối lượng rất lớn.
Riêng trong tháng 7 vừa qua, lượng hàng tồn khoảng 230.000 m3. Hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tồn trên 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu và gần 400.000 m3 dầu thô. Nhà máy cũng đã giảm công suất xuống còn 90% từ ngày 3-8, đồng thời tiến hành gửi kho 25.000 m3 xăng và có kế hoạch gửi thêm khoảng 100.000 - 120.000 m3 ngay trong tháng 8, để đảm bảo duy trì vận hành nhà máy.
Tồn kho rất cao, hiện nhà máy này đang đối diện với rủi ro lớn hơn là không còn chỗ chứa, kể cả việc đưa hàng đi gửi kho do hệ thống kho trên thị trường hầu như đã đầy. Thế nên, nguy cơ lớn nhất là phải dừng nhà máy.
Trong khi đó, theo kiến nghị của tỉnh này, lượng xăng dầu nhập khẩu vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho việc tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu trong nước. Thế nên, tỉnh đã đề nghị Chính phủ giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu nhằm hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước.
Theo báo cáo, chỉ số sản xuất 7 tháng của năm với nhóm khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%, xuất khẩu mặt hàng dầu thô giảm gần 11%, song nhập khẩu xăng dầu các loại tăng hơn 17%... Trong khi đó, doanh thu từ ngành du lịch lữ hành - ngành tiêu thụ lượng lớn nhiên liệu - trong 7 tháng qua ước đạt 4.500 tỷ đồng, giảm gần 59% so cùng kỳ năm trước.
Tại sao không giảm giá bán?
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho hay Bộ Công thương đã nhận những kiến nghị của địa phương và doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xăng dầu. Từ tuần trước, Bộ cũng đã có văn bản gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu về việc bảo đảm cân đối cung - cầu xăng dầu trong nước.
Cụ thể, đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu căn cứ vào nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực tế tại đơn vị để điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu xăng dầu phù hợp. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung - cầu. Bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại các điểm bán lẻ nhằm phục vụ nhu cầu người dân trong mọi tình huống.
"Giải pháp là phải để nhà máy lọc dầu duy trì hoạt động và kích thích thị trường tiêu thụ. Bài toán trong ngắn hạn là chính các nhà máy lọc dầu và DN đầu mối tính toán lại lợi nhuận để giảm giá, giải phóng kho hàng, chứ không phải yêu cầu tạm ngưng nhập khẩu.
Nhà nước về mặt điều hành vĩ mô, có thể làm việc với các nhà máy và DN đề nghị vấn đề này, chứ không phải chiều lòng theo DN", ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên - môi trường.
Trong buổi làm việc với PVN, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh Bộ Công thương sẽ làm hết trách nhiệm nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu xăng dầu trong nước, tìm mọi giải pháp để hỗ trợ DN, 2 nhà máy lọc dầu, DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, đảm bảo lợi ích cho nhà nước, DN và người tiêu dùng.
Tính từ đầu năm (tại kỳ điều chỉnh xăng dầu cuối năm ngày 26-12-2020) đến nay (12-8-2021), theo xu hướng giá thế giới, giá xăng trong nước đã tăng 31,4% và dầu tăng 30%. Cụ thể, xăng RON95 cuối năm 2020 là 16.900 đồng/lít, nay là 22.210 đồng/lít; dầu diesel cuối 2020 là 12.970 đồng/lít, nay lên 16.850 đồng/lít...
Vấn đề đặt ra là kho dự trữ xăng dầu đầy do tiêu thụ giảm đến 50%, nhà máy lọc dầu trong nước có nguy cơ tạm dừng hoạt động vì không còn chỗ chứa. Như vậy, DN đầu mối và sản xuất có thể giảm mạnh giá xăng dầu, để vừa hỗ trợ người dân gặp quá nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 bủa vây, vừa giải quyết tình trạng kho dự trữ đầy?
TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, cho rằng về mặt kinh doanh, nhà nước không thể can thiệp do xăng dầu là mặt hàng Chính phủ đang hướng tới hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhưng ông cũng đặt vấn đề, lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu rất lớn.
6 tháng đầu năm, Nhà máy lọc dầu Dung Quất lợi nhuận vượt xa kế hoạch, đạt 3.311 tỷ đồng.
“Nhà máy đề nghị ngưng nhập, tại sao không chủ động giảm giá ngay trong nước để giải phóng kho hàng. DN thừa sức làm điều này vì lợi nhuận của họ 2 quý đầu năm rất lớn”. Ông Tùng nói và thông tin thêm, nhiều DN đầu mối lựa chọn nhập khẩu xăng dầu từ Singapore thay vì mua tại nhà máy lọc dầu trong nước, do cạnh tranh về giá.
Giá thành sản phẩm lọc trong nước, thêm chi phí vận chuyển quá lớn khiến giá xăng mua trong nước cao hơn mua chở từ Singapore về.
Ngoài ra, yêu cầu nhà nước can thiệp bằng việc cho tạm ngưng nhập khẩu sẽ tạo hệ lụy lớn mà năm ngoái chúng ta từng chứng kiến. Đó là các trạm xăng phía bắc có khi không có hàng, phải xếp hàng dài vào nhà máy mua, thậm chí phải nhờ cậy mới mua được.
Đồng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhấn mạnh hoạt động kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các DN đầu mối sẽ vẫn hoạt động theo kiểu thuận mua vừa bán. Chỗ nào bán giá thấp hơn, chất lượng đảm bảo thì họ sẽ mua.
Nay do nhu cầu tiêu thụ giảm thì ngay cả việc nhập khẩu xăng dầu cũng giảm theo. Nhưng cũng không vì thế mà bắt buộc theo kiểu mệnh lệnh để các công ty xăng dầu phải mua toàn bộ sản phẩm từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước. Nếu làm như vậy thì môi trường kinh doanh sẽ không lành mạnh.
Hiện nay, sản phẩm của 2 nhà máy lọc dầu trong nước có thể đáp ứng được khoảng 75 - 80% nhu cầu của thị trường trong nước, nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều hơn do giá cao hay do chất lượng không đạt bằng sản phẩm của nước ngoài? Điều này chính bản thân các nhà máy phải xem xét để tự giải quyết.
"Hiện nay giá xăng dầu trong nước vẫn phụ thuộc vào giá thế giới, do lượng nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 70% mức tiêu thụ.
Nhu cầu chung về năng lượng trên toàn cầu đều đang sụt giảm do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khiến nguồn cung dư thừa. Thay vì cho nhập khẩu ít đi thì trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ có thể điều tiết để giảm giá bán xăng dầu trong nước, mà không cần phải theo giá thế giới.
Chỉ cần 2 nhà máy lọc dầu giảm mạnh giá bán ra, chắc chắn giá bán lẻ cho người dùng sẽ được kéo giảm theo", ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.