Với nền kinh tế có độ mở lớn và liên kết chặt chẽ về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động… cùng thế giới, Việt Nam đang bị ảnh hưởng toàn diện tới nền kinh tế, cùng lúc chịu tác động cả từ phía cung và cầu, tác động đến cả thị trường đầu ra và thị trường đầu vào chủ lực, cả sản xuất và tiêu dùng.
Ưu tiên động lực ở thị trường trong nước
Tốc độ tăng trưởng quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm 2018 (7,45%) và năm 2019 (6,82%). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 6,8% là nhiệm vụ hết sức khó khăn và thách thức. Theo đó, dịch Covid-19 phải được kiểm soát và khống chế ngay trong quý II, đồng thời các quý III và IV phải đạt được mức tăng trưởng vượt trội so với Nghị quyết 01 của Chính phủ đã đặt ra.
Để làm được như vậy, dịch tả lợn châu Phi phải được khống chế hoàn toàn, tái đàn thành công, các ngành sản xuất chủ lực như công nghiệp chế biến chế tạo đạt sản lượng vượt trội… Đây là nhiệm vụ khó khả thi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn do độ mở của nền kinh tế lớn. Tác động của dịch lên kinh tế ảnh hưởng đến cả tổng cung và tổng cầu do nguồn cung vật liệu, máy móc để sản xuất phục vụ xuất khẩu và thị trường bán ra đều suy giảm. “Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 sẽ khó chạm tới 6% mà chỉ quanh mức 5,5%. Đây là phương án tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng”, ông Kiên chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, ông Kiên cho rằng cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu bị phá vỡ, cần phải tập trung ưu tiên thị trường trong nước. Nhiều tổ chức, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ hạn hẹp, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp ưu tiên và có tính khả thi nhất để hỗ trợ nền kinh tế. Vì vậy, trước mắt tập trung giải ngân hết số lượng vốn đầu tư công mà Chính phủ đã chuẩn bị cho năm 2020 (khoảng 670.000 tỷ đồng) bằng các biện pháp đặc thù trong hoàn cảnh đặc thù.
Cùng với đó, các gói chính sách đối phó với khủng hoảng cần hướng tới mục tiêu chung là tạo tính thanh khoản cho nền kinh tế, giữ cho DN, ngành hàng, các hộ kinh doanh… không bị phá sản và có thể phục hồi nhanh khi dịch bệnh đi qua. “Cần đảm bảo 3 nguyên tắc của gói hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay là đúng lúc, đúng đối tượng, không kéo dài”, một chuyên gia trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khuyến nghị.
Thúc đẩy đầu tư công là giải pháp hàng đầu
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, sở dĩ thúc đẩy đầu tư công được kỳ vọng là giải pháp hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng bởi giải ngân được vốn đầu tư công sẽ tạo ra rất nhiều động lực theo sau. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giải ngân thêm 1% vốn đầu tư công sẽ làm cho GDP tăng thêm 0,06 điểm %. Bởi lẽ cùng với vốn đầu tư công, sẽ kéo theo vốn đầu tư ngoài Nhà nước và FDI giải ngân tiếp.
“Các năm vừa qua chúng ta chỉ giải ngân được 92-93% vốn đầu tư công theo kế hoạch, cho thấy tăng trưởng còn dưới tiềm năng. Năm nay Thủ tướng sẽ có nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ thể chế giải ngân vốn đầu tư công và hoá giải nút thắt này”, ông Lâm kỳ vọng.
Một nhóm động lực khác mà theo Tổng cục Thống kê, có thể triển khai ngay trong quý II và các quý tiếp theo, đó là đẩy mạnh việc thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đặc biệt, tập trung vào chăn nuôi lợn để quý III - IV tăng 30-35%. Nếu được như vậy sẽ làm GDP tăng khá mạnh. Bởi hiện nay chăn nuôi lợn chiếm 52% trong tổng chăn nuôi. Và ngành chăn nuôi chiếm khoảng 11% toàn bộ khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản. “Chăn nuôi lợn là giải pháp hiệu quả cho cả tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát cho các quý tới”, ông Lâm nhấn mạnh.
Ngay trong năm nay, một giải pháp khác cần tính đến là tận dụng hiệu lực của EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, với mức tăng trưởng có thể lên tới 20%. Với EVFTA, khu vực nông lâm nghiệp thuỷ sản hưởng lợi nhiều nhất, trong đó đặc biệt là thuỷ sản. Vì vậy thời gian tới cần chú trọng tới vấn đề sản xuất, nuôi trồng, khai thác, chế biến, cùng với các vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc… để có thể xuất khẩu sang thị trường EU.
Về lâu dài, theo Tổng cục Thống kê, cần tiếp tục thực hiện giải pháp nâng cao năng suất lao động. Đây luôn là giải pháp trong mọi giai đoạn để chúng ta nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó tập trung vào các nhóm cơ cấu lại kinh tế, cơ cấu lại lao động, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, đổi mới quản lý nhà nước, quản trị DN.
Chỉ tính riêng cơ cấu lại lao động, về năng suất lao động nếu tăng 1% sẽ làm GDP toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm %. Cụ thể là việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, sẽ làm chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực 1 sang khu vực 2-3, cũng làm cơ cấu kinh tế của 3 khu vực này thay đổi.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý nhà nước, điều hành DN… cũng sẽ nâng cao năng suất lao động của cả nền kinh tế. Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, một số ngành kinh tế vẫn phát triển khá mạnh.
Trong đó, thông tin và truyền thông tăng cao nhất ở mức 9,97%, cũng là cao nhất quý I các năm vừa qua; nhóm tài chính - ngân hàng, bảo hiểm tăng trên 7%. Dịch Covid-19 đang làm thay đổi quan điểm phát triển, cơ cấu kinh tế, cách tiếp cận kinh tế của tất cả các nước trên thế giới cũng như Việt Nam.
Trong tương lai, một động lực khác là phát triển đô thị sẽ dẫn tới một loạt thay đổi cơ cấu lao động, chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, khiến nhu cầu nội địa tăng lên. Hiện nay rất nhiều nền kinh tế cũng đang quay vào phục vụ nội nhu thay vì xuất khẩu. Hiện nay thị trường Việt Nam có khoảng 100 triệu dân. Nhu cầu nội địa ổn định và được tăng cường sẽ là yếu tố rất tốt cho tăng trưởng.