Gỡ “nút thắt” thị trường tiền tệ

Thị trường tiền tệ nước ta đang tiếp diễn nghịch lý: Các ngân hàng thương mại (NHTM) ứ vốn, không có đầu ra để tiêu vốn, trong khi cộng đồng doanh nghiệp vẫn đói vốn và thờ ơ với lãi suất rẻ.

Có vẻ như thị trường tiền tệ đang đi theo con đường của thị trường bất động sản. Chẳng hạn, giá bất động sản đã giảm khá mạnh, là thời điểm thích hợp để người có nhu cầu thực sự mua nhà, nhưng phần lớn người dân vẫn có tâm lý chờ giá bất động sản giảm nữa mới mua.

Tương tự, lãi suất cho vay trên thị trường tiền tệ giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn thờ ơ và tiếp tục chờ lãi suất giảm tiếp. Liệu những giải pháp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang áp dụng có đủ “liều” và “lực” để giúp tháo gỡ “nút thắt” thị trường tiền tệ?

Phải thừa nhận rằng, thời gian qua điều hành của NHNN đã thay đổi mạnh mẽ từ chính sách tiền tệ chặt chẽ sang nới lỏng, khi liên tiếp hạ trần lãi suất huy động nhằm kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay NHNN đã 3 lần giảm lãi suất trần huy động và kể từ ngày 4-5 trần lãi suất cho vay được áp cao hơn 3% trần huy động đối với 4 nhóm đối tượng ưu tiên. Bên cạnh đó, các giải pháp về ngoại hối cũng như giám sát chặt chẽ các NHTM yếu kém, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ổn định và lòng tin vào đồng Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động của thị trường ngân hàng giảm 2-3% và lãi suất cho vay giảm 1-4%. Trật tự trên thị trường tiền tệ đã được thiết lập. Đặc biệt, chưa bao giờ lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng giảm thấp như hiện nay khi lãi suất qua đêm chỉ còn 1,5-2%/năm.

Thế nhưng, dòng tiền rẻ vẫn đang lòng vòng trong các NHTM và trong điều hành chính sách vĩ mô chứ chưa ra được nền kinh tế. Và nếu kéo dài tình trạng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng đến mục tiêu tăng trưởng.

Nghịch lý thiếu thừa trên thị trường tiền tệ cho thấy việc kéo giảm lãi suất của NHNN đến thời điểm này chưa đủ giúp tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm theo chỉ tiêu NHNN đặt ra 15-17%.

Nghĩa là để tháo gỡ nút thắt dòng vốn, bên cạnh giảm lãi suất, còn phụ thuộc vào các chính sách khác như thực hiện những biện pháp kích cầu; giải phóng nhanh hàng tồn kho của doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đối với thị trường trong nước, đã đến lúc cần xem xét, lựa chọn, cho khởi động trở lại một số dự án đầu tư công có vai trò quan trọng trong việc kích hoạt tiêu thụ vật tư hàng hóa, giải quyết việc làm...

Mới đây, NHNN còn công bố lãi suất huy động sẽ giảm xuống 9%/năm và lãi suất cho vay về mức 12-13%/năm. NHNN cho rằng đây sẽ là mức lãi suất đáy, các doanh nghiệp cần chủ động vay vốn để sản xuất kinh doanh chứ không nên chờ đợi lãi suất giảm tiếp.

Thông tin này sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuẩn bị vay nợ, phục hồi sản xuất kinh doanh. NHNN cũng cho biết sẽ thành lập công ty mua bán nợ xấu để xử lý nợ xấu ở các NHTM. Đây là tin vui, dù chỉ có thể tác động về dài hạn trong việc giúp các NHTM xử lý nợ xấu để mạnh dạn đẩy mạnh cho vay.

Có thể tới đây NHNN sẽ xem xét việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới thành lập, hoạt động có hiệu quả nhưng dư nợ vẫn ở mức thấp so với vốn điều lệ, sẽ được phép mở rộng tín dụng bằng vốn điều lệ. Ngoài ra, những ngân hàng nước ngoài hoạt động an toàn, hiệu quả thời gian qua cũng được NHNN xem xét cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với chỉ tiêu quy định.

5 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NHTM âm 0,89%, trong khi tiền gửi tại ngân hàng tăng 5,42%, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,47% so với cuối năm trước. Điều này cho thấy thị trường tiền tệ đang “dậm chân” tại chỗ, trong khi từ nay đến cuối năm mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra là 15-17% .

Mặt khác, cũng không thể chạy theo con số tăng trưởng để đẩy tín dụng ra “vô tội vạ”, gây sức ép lên lạm phát, mà xem đây là thời điểm thuận lợi để đánh giá lại hoạt động tín dụng của hệ thống NHTM. Nếu xét thấy NHTM nào khỏe mạnh, có nhiều khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, NHNN có thể xem xét nâng hạn mức tín dụng cao hơn, đưa dòng vốn tín dụng chảy ra nền kinh tế một cách linh hoạt, bám sát với xu thế thị trường.

Ngoài ra, cần xem xét mở rộng đối tượng được hưởng lãi suất cho vay giá rẻ nhằm tháo dần “nút thắt” trên thị trường tiền tệ hiện nay.

Các tin khác