Mức độ phổ biến của bệnh trầm cảm ở Việt Nam không nhỏ, nhưng hầu hết những người trầm cảm lại không được trị liệu. Mọi người thường nghĩ rằng đó là một trạng thái đau buồn chóng vánh, cứ cố lên nó sẽ qua nhanh. Những câu chuyện từ thế giới của những người trầm cảm được kể trong cuốn sách có thể gây ra một cú sốc cho nhiều người: không ai có thể hình dung thế giới ấy lại đen tối, đau đớn đến thế.
Cuốn sách đóng vai trò giáo dục tâm lý (psychoeducation) quan trọng, cung cấp cho người mang bệnh và người thân của họ kiến thức đúng về bệnh, hiểu về các triệu chứng, về nguồn cơn gây ra, nắm được các phương pháp trị liệu khác nhau với các mặt lợi-bất lợi, hiểu về vai trò, trách nhiệm của bản thân để hợp tác, tham gia vào quá trình trị liệu.
Trầm cảm đến từ đâu? Từ gene, từ những trải nghiệm của tuổi thơ dữ dội, từ những mối quan hệ gia đình độc hại, từ môi trường xã hội lạnh lùng… hoặc tất cả những yếu tố trên cộng lại. Trầm cảm tấn công ai? Trẻ con, người già, thanh thiếu niên, trung niên, đàn ông, phụ nữ. Trầm cảm có sức phá hủy như thế nào?
Bảng so sánh mức độ khuyết tật của một số bệnh tâm thần và một số bệnh khác của Trường Đại học Eramus, Hà Lan cho thấy: trầm cảm nhẹ - tương đương với viêm khớp hông hay đầu gối. Rối loạn lo âu nhẹ tới vừa - tương đương với nứt đốt sống, HIV. Trầm cảm vừa - tương đương với hen suyễn nặng, viêm gan B, bệnh điếc, đa xơ cứng (rối loạn não bộ và tủy sống).
Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn mức nặng - tương đương với liệt chi dưới, viêm phế quản kinh niên nặng, tổn thương thành phế nang phổi. Trầm cảm nặng - tương đương với tổn thương não vĩnh viễn, ung thư vú đã di căn.
12 chương sách, 12 nhân vật, 12 gia đình nhưng lại chứa nhiều hơn 12 câu chuyện khác nhau. Bởi đằng sau mỗi nhân vật là từng lớp thế hệ trong gia đình có thể là bố mẹ, anh chị em, ông bà nội ngoại. Trong hầu hết những câu chuyện được kể trong cuốn sách, gia đình của người mang bệnh trầm cảm không chịu thừa nhận đó là một căn bệnh, họ cho con cái mình làm trò, thích gây chú ý, cá biệt có trường hợp chính người bị bệnh không chịu thừa nhận mình có bệnh.
Rất ít nhân vật trong cuốn sách có may mắn được tiếp cận phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời, được người thân đồng hành và nâng đỡ qua những cơn đau. Phần lớn họ đều phải một mình, từng ngày, vật lộn với sự mục ruỗng từ thể xác đến tinh thần; hoặc lê lết giành lại cuộc sống, bằng chút sức lực mỏng manh còn sót lại.
"Đại dương đen" không chỉ là lời chia sẻ quý giá hiếm hoi đối với những người trầm cảm, cũng không chỉ là cuộc giáo dục tâm lý, sâu sa hơn cuốn sách này là tiếng nói nhắc nhở mọi người đừng vì định kiến, sự thiếu hiểu biết đã tước đi quyền được sống với nhân phẩm, được cống hiến, được yêu thương, hạnh phúc.