Góc nhìn khám phá chiến tranh Afghanistan

(ĐTTCO) - Vì điều gì mà từ những dòng văn xuôi tư liệu về chiến tranh Afghanistan lại dẫn đến phiên tòa xử án văn chương? 
Có lẽ câu trả lời sẽ nằm trong suy nghĩ mỗi người khi bước vào thế giới của cuốn sách Những cậu bé kẽm (do Phan Xuân Lan dịch, NXB Phụ Nữ), tác phẩm đã đạt giải Nobel Văn học năm 2015.
Những cậu bé kẽm, một nhan đề khốc liệt, kể về những xác người trong quan tài kẽm, những cái xác vừa mới mười tám đôi mươi, những cậu bé đẹp đẽ rạng ngời, vừa rời vòng tay cha mẹ, người thương để rồi trở về trong những cỗ quan tài kín bưng. Được viết bằng thể loại văn xuôi tư liệu cùng với tâm thế của một con người phản chiến, cuốn sách đã khuấy lên một giai đoạn lịch sử đầy đau đớn, đã phác họa một bối cảnh, soi chiếu bằng một góc nhìn trước nay chưa từng được công bố.
Góc nhìn khám phá chiến tranh Afghanistan ảnh 1
Những cậu bé kẽm là lời bộc bạch của những người sống sót trở về từ chiến tranh Afghanistan và của thân nhân những người đã mất. Đó là những dòng hồi ức khốc liệt, đẫm máu, và vĩnh viễn làm thương tổn không chỉ thân thể mà còn tinh thần con người. Nó phơi bày cái phi nghĩa, vô nhân của một cuộc chiến tranh vô vọng.
Người “may mắn” nằm lại trong những chiếc quan tài kẽm, số khác thân xác lang bạt nơi chiến trận. Kẻ sống sót trở về cũng không bao giờ có thể quay lại cuộc sống của một người bình thường bởi những sang chấn khủng khiếp mang tên hội chứng Afghanistan. Người ngoài cuộc nhìn nhận họ như những kẻ sát nhân, kẻ bại trận, còn chính họ cũng quên mất phải sống bình thường là thế nào.
Hơn 500 cuộc phỏng vấn đã được tác giả Svetlana Alexievich thực hiện để tạo nên bức tranh toàn cảnh về những góc khuất của chiến tranh. Cũng chính những trang tư liệu về nỗi đau này, ngày 20-1-1993, cuốn sách của Svetlana Alexievich bị đưa ra tòa xét xử bởi những người cung cấp tư liệu đâm đơn kiện với lý do phỉ báng danh dự và ngụy tạo lời kể. Phiên tòa kéo theo sự chú ý của chính quyền và công chúng tạo thành làn sóng dư luận ở cả 2 phía: ủng hộ và chống đối. Nhưng ở những lần tái xuất bản sau, Svetlana Alexievich đã đồng ý thêm vào toàn bộ biên bản vụ kiện cùng những sự kiện có liên quan.
Nhà văn Svetlana Alexievich sinh tại Ukraine trong một gia đình công chức. Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học. Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, giải thưởng này được trao cho bà để “tôn vinh những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”. Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus, bà làm việc cho tờ Báo nông nghiệp và tạp chí Neman ở Minsk.
Trong suốt vài thập niên bà đã viết biên niên tư liệu - nghệ thuật Những giọng không tưởng, gồm 5 quyển sách (Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ - 1983, Những nhân chứng cuối cùng - 1985, Những cậu bé kẽm - 1989, Lời nguyện cầu từ Chernobyl - 1997, Thời second-hand - 2013) và để những “con người nhỏ bé” đích thân kể về số phận của mình. Thực chất, đây là một thể loại đặc biệt, một loại tiểu thuyết chính trị đa giọng, trong đó những câu chuyện nhỏ bé hợp thành một lịch sử lớn.

Các tin khác