Gói 30.000 tỷ đồng: “1.001” chuyện vướng

Gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng đã bắt đầu giải ngân, song đa phần người vay mua nhà than thở khó tiếp cận NH. Các NHTM dù muốn đẩy mạnh cho vay nhưng điều kiện các bên tham gia chương trình còn nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được nên lo ngại nợ xấu.

Gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng đã bắt đầu giải ngân, song đa phần người vay mua nhà than thở khó tiếp cận NH. Các NHTM dù muốn đẩy mạnh cho vay nhưng điều kiện các bên tham gia chương trình còn nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được nên lo ngại nợ xấu.

Không mua được nhà còn mất tiền cọc

Theo NHNN cho biết, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng đối với 2 doanh nghiệp gồm CTCP Vicoland, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Thừa Thiên-Huế, hạn mức cho vay 117,7 tỷ đồng và CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại TPHCM với hạn mức 540 tỷ đồng.

Hiện Vicoland đã được giải ngân 34 tỷ đồng. Đối với khách hàng cá nhân, các NHTM đã giải ngân khoảng 11 tỷ đồng cho 56 khách hàng. Một số NHTM cũng báo cáo số lượng hồ sơ xin vay, VietinBank đã nhận 160 hồ sơ, BIDV nhận khoảng 100 hồ sơ và đang tích cực tiến hành thẩm định theo quy định.

Tuy nhiên, phía dư luận hiện vẫn tiếp tục phản ánh sự khó khăn trong việc tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng bởi “1.001 chuyện vướng” mà ĐTTC có nhiều bài phản ánh.

Anh Hồng Thuận ở quận Bình Thạnh (TPHCM) chia sẻ, xét thu nhập 2 vợ chồng 15 triệu đồng, chưa có nhà ở, có tạm trú trên 1 năm và tìm được căn hộ dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m­2 như yêu cầu gói hỗ trợ, anh được NH đang triển khai chương trình tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn các thủ tục, biểu mẫu xác nhận về tình trạng nhà ở cùng hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư.

Nguồn vốn 30.000 tỷ đồng là nguồn tái cấp vốn, không phải là vốn ngân sách, do đó các NH cũng rất thận trọng trong việc xét duyệt đối tượng, đề phòng xảy ra nợ xấu cũng dễ hiểu.

Anh Thuận đã đến ký hợp đồng và đặt cọc cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi đến UBND phường xác nhận tình trạng nhà ở, anh chỉ được xác nhận là nhà đang tạm trú không thuộc quyền sở hữu của anh chứ không xác nhận chưa có nhà ở với lý do không quản lý về việc này.

NH lại tư vấn anh trở về địa phương thường trú xin xác nhận chưa sở hữu nhà ở để kết hợp với giấy xác nhận tại TPHCM sẽ được chấp nhận. Khi đã có đầy đủ giấy xác nhận, hồ sơ của anh được nhận. Nhưng suốt 1 tuần không có phản hồi, anh đến hỏi và nhận được câu trả lời chờ vì chi nhánh duyệt hồ sơ và gửi lên hội sở.

Chờ thêm 1 tuần nữa, anh lại đến hỏi và được biết chi nhánh chỉ đáp ứng nhu cầu vay 50% giá trị căn hộ, muốn vay 70% phải chờ hội sở quyết định. Qua 1 tuần nữa đến liên hệ, bên NH thông báo nếu muốn được duyệt vay 70% phải có tài sản thế chấp trị giá 20% căn hộ, nếu không chỉ cho vay tối đa 50%. Xét thấy mức cho vay không đủ tiền để thanh toán cho chủ đầu tư, anh đành chấp nhận mất tiền cọc không mua được nhà.

NH thận trọng

Việc phản ánh của người dân cũng cần nhìn nhận một thực tế, các NHTM cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai gói vay 30.000 tỷ đồng. Về cơ bản Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 07/2013/TT-BXD và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã đáp ứng được yêu cầu cho vay của khách hàng; Văn bản 1250/BXD-QLN ngày 25-6-2013 cũng đã phần nào tháo gỡ được các vướng mắc trong việc xác định đối tượng mua nhà của NH và khách hàng.

Tuy nhiên, đơn vị cho vay là NH nhưng Bộ Xây dựng lại đưa ra tiêu chuẩn nên khi triển khai thực tế gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn nếu NH cho người vay sử dụng chính căn hộ là nhà ở xã hội làm tài sản thế chấp phải đối mặt với không ít rủi ro, bởi theo quy định nhà ở xã hội này phải 10 năm mới được chuyển nhượng cho bên ngoài, nếu thu hồi và phát mãi chỉ được bán lại cho chủ đầu tư.

Hay trong việc xác định điều kiện của khách hàng, một số UBND phường hiện không xác nhận về thực trạng nhà ở của khách hàng mà chỉ xác định thực trạng nhà ở tại địa bàn, khiến NH gặp khó trong việc xác định đối tượng. Vấn đề xác định các thành viên trong gia đình đã được hưởng chính sách này hay chưa cũng chỉ dựa trên cam kết của khách hàng là chính.

Lãnh đạo một NHTM nhận định, trước đây cũng đã có một chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất tương tự thông qua một NH và cũng phát sinh nhiều vấn đề do cho vay sai đối tượng. Hiện nay chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất được triển khai thông qua các NHTM nhà nước nhưng tính xã hội hóa của chương trình không cao, rủi ro khá nhiều nên các NH cũng không mặn mà.

Phần nữa vì tiêu chuẩn cho vay còn mập mờ, nên NH sợ nếu xảy ra trường hợp cấp vốn sai đối tượng sẽ gặp rắc rối về mặt pháp lý. Bởi chương trình triển khai cho hàng ngàn người thực hiện, mỗi người một cách và trong đó chắc chắn sẽ có sai phạm.

Lẽ thường nếu làm đúng không sao, nhưng nếu NHTM nhà nước làm sai, cho vay sai đối tượng sẽ bị thanh tra, phê bình, khiển trách, thậm chí mất chức. Trong khi đó, gói vay này lại không đưa ra tiêu chuẩn rõ ràng nên việc các NHTM nhà nước thận trọng cho vay là lẽ đương nhiên.

Các tin khác