Nhiều doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành như được miễn giảm thuế, phí và lãi suất, được vay vốn ưu đãi từ các gói hỗ trợ chính sách…
Tuy nhiên, một thực tế là chưa phải gói hỗ trợ nào cũng phát huy hết hiệu quả và vẫn rất cần những bổ sung, sửa đổi để các điều kiện tiếp cận được dễ dàng và thuận tiện hơn.
Gần 180.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp
Từ đầu tháng Năm đến nay, tình hình dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các giải pháp đề xuất bổ sung thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2021 sẽ lên tới hơn 138.000 tỷ đồng; trong đó gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đánh giá cao các gói chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh COVID-19, nhất là các chính sách tài khóa như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất cũng như các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng để khắc phục hậu quả từ dịch COVID-19…
Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngoài các biện pháp cơ cấu các khoản nợ-lãi đến hạn-không chuyển nhóm nợ, thì giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực, cụ thể nhất đối với doanh nghiệp tại thời điểm này.
Thống kê sơ bộ từ ngành ngân hàng, kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho doanh nghiệp, nền kinh tế của các tổ chức tín dụng là khoảng 18.830 tỷ đồng.
Trước đợt dịch bệnh lần thứ tư tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, 16 tổ chức tín dụng đã họp và cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ đồng (từ nay đến cuối năm).
Theo báo cáo nhanh của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng Bảy, các ngân hàng đã miễn giảm, hạ lãi suất cho gần 790.000 khách hàng với dư nợ gần 1,4 triệu tỷ đồng đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 198.000 khách hàng.
Ông Đào Ngọc Kim, Giám đốc Công ty sản xuất Thương mại Vĩnh Hưng Đạt (Bình Dương) cho biết 80% hoạt động của công ty đã bị đình chệ từ khi buộc phải giãn cách để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
“Việc giảm lãi suất từ ngân hàng đã chia sẻ phần nào áp lực trên vai doanh nghiệp. Cụ thể, BIDV thông báo giảm lãi suất cho vay 0,5%/tháng, nhờ đó công ty sẽ tiết kiệm được khoảng 100.000 triệu đồng/tháng và từ nay đến cuối năm, công ty cũng tiết giảm được 600.000 triệu đồng, đây là con số không nhỏ, góp phần giảm bớt khó khăn cho chúng tôi trong đại dịch,” ông Kim nói.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đã đã triển khai miễn phí 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam...
“Đối tượng nào khó khăn nhiều thì được giảm nhiều, khó khăn ít thì được giảm ít, nhưng phải làm thật và Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát việc giảm lãi suất của 16 ngân hàng thương mại xem cam kết đó đã thực hiện được bao nhiêu, có thực chất không,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Không để “muốn hỗ trợ thì lên báo”
Mặc dù việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên các doanh nghiệp cho rằng một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như các điều kiện về số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp… Đặc biệt là gói cho vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.” Nhiều người ví von rằng nếu muốn nhận được hỗ trợ, doanh nghiệp chỉ có cách “lên báo," bởi từ chính sách đến thực tế vẫn còn là một khoảng cách cần xóa bỏ.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Bộ Tài chính cho biết tại dự thảo Nghị Quyết Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua bốn nhóm chính sách. Cụ thể, tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 (như năm 2020) và ba nhóm giải pháp lần đầu được đề xuất là giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác (trong quý 3 và quý 4/2021) đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế; giảm 30% mức thuế suất-mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 (như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...); miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (hai năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018-2019-2020.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời hạn cơ cấu nợ hơn.
Theo dự thảo, các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 đều sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thời hạn này đã nới hơn so với mốc 10/6/2020 hiện nay đồng thời cơ quan này cũng đề xuất gia hạn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng, đến 30/6/2022 thay vì chỉ đến cuối năm 2021 này.
Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết: "Việc gia hạn là cần thiết vì dòng tiền không phù hợp với cơ cấu tính toán cho vay lần đầu theo phương án trả nợ gốc lãi, nên sẽ giúp khách quay vòng vốn, làm nào phù hợp với thời hạn đến hạn của khoản vay cũ và mới".
Tuy nhiên, một số lãnh đạo ngân hàng khác lại cho rằng quy định như dự thảo là chưa thể gỡ khó cho ngân hàng và doanh nghiệp.
“Dự thảo sửa đổi chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vay từ sau ngày 1/8 cũng rất khó khăn. Hơn nữa, COVID-19 chưa biết đến khi nào mới kết thúc, nên việc kéo dài đến ngày 30/6/2022 vẫn chỉ là giải pháp tình huống. Thông tư nên quy định được cơ cấu nợ cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch,” một lãnh đạo ngân hàng đề xuất.
Một số ý kiến khác lại cho rằng thay vì sửa đổi Thông tư 01, Ngân hàng Nhà nước nên ban hành một thông tư mới thay thế hoàn toàn thông tư trên theo hướng căn cơ hơn, trao quyền chủ động hơn cho các ngân hàng thương mại. Điều quan trọng nhất là phải tiến hành thật nhanh, bởi các doanh nghiệp đang lao đao với phương án trả nợ, đứng trước nguy cơ phá sản.