Thị trường chứng khoán đang được hưởng lợi từ quá trình hồi phục và ổn định kinh tế vĩ mô
Báo cáo cập nhật mới đây của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, chủng biến thể Covid-19 mới Omicron và tình hình Covid-19 đang tăng trở lại tại các tỉnh thành ở Việt Nam có thể làm chậm lại đà phục hồi của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, các chỉ báo dự báo sớm tăng trưởng kinh tế tháng 11 như PMI, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đang hồi phục tích cực cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan trong Quý IV.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát tăng nhưng vẫn trong mức kiểm soát. CPI tăng chủ yếu do tăng mạnh giá dầu theo đà tăng của giá nhiên liệu. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất tháng 11 chứng kiến sự tăng mạnh ở lĩnh vực khai khoáng và công nghiệp chế biến (chế biến thực phẩm, dệt may, chế biến gỗ, cao su, giường tủ, sắt thép).
Đây đều là các nhóm ngành chủ lực của Việt Nam và dự kiến sẽ tiếp tục là các nhóm dẫn dắt chỉ số IIP tăng trong tháng tới.
Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới vào các khu vực trọng điểm tiếp tục tăng như: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng đặc biệt là vào các nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết hợp tác với Nhật Bản và EU mới đây cũng là động lực để thu hút thêm dòng vốn FDI trong các tháng tới đây. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho các nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất, khu công nghiệp.
Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, các doanh nghiệp từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh khi số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại cao hơn so với số DN rút lui. Các DN thuộc nhóm kinh doanh bất động sản và vận tải kho bãi là nhóm có tốc độ đăng ký thành lập mới tăng trưởng so với cùng kỳ.
“Tuy các DN sẽ cần mất nhiều thời gian để ổn định nhưng điều này cũng tác động tích cực lên thị trường chứng khoán (TTCK) khi hoạt động kinh doanh của nhóm DN dần bình thường hóa”, chuyên gia của Agriseco nhận định.
Agriseco dự báo, tăng trưởng GDP Quý 4 có thể đạt 4 - 5%, giúp GDP cả năm tăng 2 -2,5%. Lạm phát dự báo được kiểm soát dưới 2% nhờ giá thịt lợn giảm mạnh so với đầu năm. Bên cạnh đó, giá dầu cũng đang giảm hơn 20% từ đỉnh ngắn hạn đầu tháng 11 cũng góp phần kiềm chế lạm phát.
“TTCK đang được hưởng lợi từ quá trình hồi phục và ổn định kinh tế vĩ mô. Vừa qua, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế 2022 với GDP 6 – 6,5%, lạm phát dưới 4%. Số liệu 11 tháng đang là nền tảng vững chắc để triển khai giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022”, chuyên gia của Agriseco đánh giá.
Định giá TTCK thời điểm hiện tại, Agriseco đưa ra mặt bằng định giá P/E của VN-Index đang giao dịch quanh 17x - mức ngang trung bình của chỉ số trong lịch sử và thấp hơn so với các TTCK khác trong khu vực.
Agriseco cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa để triển khai các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu đề án phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế phù hợp với từng giai đoạn. Các đề án hỗ trợ khả năng cao sẽ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ viễn thông, y tế và an sinh xã hội cho nhân dân.
“Một số nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi trực tiếp nếu đề án được thông qua như: nhóm bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, hàng không dịch vụ, công nghệ thông tin. Nền kinh tế mở cửa trở lại có thể tác động tích cực đến nhóm bán lẻ, hàng không, tuy nhiên, nhóm này vẫn đang trong quá trình phục hồi chậm và dư địa tăng sẽ không quá nhiều”, chuyên gia của Agriseco dự báo.
Gói hỗ trợ nền kinh tế có thể lên tới 5,48% GDP
Hai năm qua, để ứng phó dịch bệnh và hỗ trợ kinh tế phục hồi, Việt Nam cũng đã sử dụng chính sách tiền tệ tài khoá với tổng gói hỗ trợ 2 năm qua ước tính bằng 4% GDP 2020, thấp hơn các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (gói tài khoản 2,9% và gói tiền tệ 1,1%).
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, thay vì phục hồi theo hình chữ V trên thế giới thì Việt Nam đang phục hồi theo hình chữ U.
Do đó, nếu không có chương trình đặc biệt, gói hỗ trợ đặc biệt, có thể lỡ nhịp phục hồi, không thực hiện được các chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua.
TS. Cấn Văn Lực đề xuất gói chính sách tài khóa có thể chiếm 4,71% GDP, với giá trị tuyệt đối là 383.200 tỷ đồng; gói chính sách tiền tệ khoảng 6.100 tỷ đồng, chiếm 0,08% GDP; gói chính sách an sinh xã hội chiếm 0,16% GDP; khoảng 0,46% dành cho các chính sách khác, như giảm tiền điện, nước, hỗ trợ DN chuyển đổi số, tài trợ các dự án nâng cấp, đổi mới công nghệ...
“Tổng nguồn lực cho các chính sách tài khóa, tiền tệ trên tương đương khoảng 5,41% GDP, giá trị tuyệt đối là 439.759 tỷ đồng. Thêm khoản đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) vào các DN khoảng 6.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,07% GDP. Như vậy, tổng hợp các chính sách, gói hỗ trợ có thể lên tới 445.760 tỷ đồng, chiếm 5,48% GDP”, TS Cấn Văn Lực đề xuất.
TS. Lực cho biết, có thể phân chia gói hỗ trợ thành 3 giai đoạn khác nhau, gồm: Chuẩn bị kích hoạt chương trình và mở cửa nền kinh tế, phục hồi rõ nét hơn (hết Quý 2/2022), tạo lập nền tảng, phục hồi nhanh và tăng tốc (đến hết Quý 3/2023) và kết thúc chương trình, bước sang quỹ đạo mới (từ Quý 4/2023).
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong Nghị quyết kỳ họp thứ hai vừa qua, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng Chương trình tổng thể gói hỗ trợ theo hướng thích ứng an toàn, phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế để Quốc hội quyết định sớm.
“Dự kiến cuối tháng 12, nếu chuẩn bị đầy đủ thì sẽ đề nghị Quốc hội họp bất thường để xem xét vấn đề cấp bách, quan trọng này và vấn đề cấp bách khác liên quan đến quốc kế dân sinh”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin.