Gói trừng phạt Nga thứ 12 của EU: "Gậy ông vẫn đập lưng ông"?

(ĐTTCO) - Dù chưa được phê duyệt chính thức, gói trừng phạt thứ 12 của EU nhằm vào Nga đã lại vấp phải sự bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có ý kiến cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới nhất này có thể đánh dấu sự thay đổi chiến lược của EU khi “vá hết những lỗ hổng" do các vòng trừng phạt trước đây để sót lại.

Tuy nhiên, có ý kiến cảnh báo gói trừng phạt thứ 12 này vẫn có khả năng "gậy ông lại đập lưng ông", do sẽ tác động trực tiếp tới chính các ngành công nghiệp và người tiêu dùng của EU nhiều hơn so với các nhà xuất khẩu Nga.

Chẳng hạn, lệnh cấm nhập khẩu dây nhôm từ Nga có thể dẫn đến tăng giá, làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất EU so với các đối tác toàn cầu.

Thậm chí, thanh dây nhôm của Nga được coi là thân thiện với môi trường hơn, và việc loại trừ chúng có thể làm tăng lượng khí thải carbon của EU - việc này, trái với mục tiêu giảm phát thải của Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Thực tế, gói trừng phạt thứ 11 EU áp đặt lên Nga từ tháng 6-2023 vẫn có nhiều khe hở bị Moscow tận dụng để "lách luật", từ giới hạn giá đối với dầu thô của Nga, hay các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của EU đối với việc nhập khẩu vi mạch vào Nga...

Theo bình luận của giới quan sát, thêm gói trừng phạt mới chống lại Moscow, dường như khiến EC bối rối, bởi nó cũng gây áp lực lên chính các nhà lãnh đạo EU, thậm chí nhiều hơn so với đối tượng bị trừng phạt là Nga.

Cụ thể, theo nhiều quan chức EU một số lĩnh vực, mặt hàng của Nga bị trừng phạt lại góp phần quan trọng vào sự phát triển của một hoặc nhiều quốc gia thành viên EU.

Các đề xuất gói trừng phạt thứ 12 đã được gửi đến 27 nước thành viên EU, trước khi các nội dung này được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12-2023.

Các tin khác