Gregory Q. Brown Giải cứu Motorola

(ĐTTCO) - Để có thể chèo lái con tàu Motorola đang chìm dần trên thị trường, CEO Gregory Q. Brown đã phải đưa ra một quyết định khó khăn và đầy táo bạo: Phân Motorola thành 2 công ty độc lập kinh doanh trên 2 lĩnh vực khác nhau, rút dần khỏi mảng điện thoại di động. Đây là nước đi khó khăn nhất của Motorola để giữ lại danh dự huyền thoại một thời này. 

Được thành lập từ năm 1928, Motorola là công ty viễn thông đầu tiên sở hữu bằng sáng chế điện thoại di động của kỹ sư Martin Cooper, cha đẻ của điện thoại di động. Trong suốt chiều dài lịch sử gần 90 năm, Motorola đã trình làng những mẫu điện thoại có thiết kế sang trọng, sành điệu, thể hiện đẳng cấp của người dùng, và đã từng cùng Nokia và Sony thống trị thị phần thế giới.

Giải cứu
Nhưng đến thời điểm 2007-2009, Motorola đã không còn giữ được vị thế của mình trên toàn cầu. Họ thâm hụt tổng cộng gần 4,3 tỷ USD, chỉ tính riêng năm 2007 công ty thua lỗ đến 1,7 tỷ USD. Thời điểm này, Apple của Steve Jobs đang lớn mạnh quá nhanh, iPhone liên tiếp ra mắt những mẫu điện thoại thông minh tạo nên những cơn sốt toàn cầu, bên cạnh sự cạnh tranh trực tiếp từ các hãng Samsung, LG và Blackberry đã khiến Motorola khốn đốn. Sự ì ạch và chậm trễ trong việc cải tiến công nghệ khi thời đại của điện thoại thông minh đang bùng nổ đã khiến Motorola ngày càng tụt hậu so với các đối thủ. 
 Việc cạnh tranh kém hiệu quả trong mảng điện thoại di động là một điều tất yếu, khi Motorola luôn ì ạch và chậm trễ cải tiến công nghệ trong kỷ nguyên bùng nổ điện thoại thông minh. Mảng di động đã gây thua lỗ cho công ty hàng trăm triệu USD mỗi quý. 
Nhận thấy nguy cơ phá sản, Motorola đã nhanh chóng thay thế CEO đương nhiệm Edward Zander, người đã sa lầy trên ván cờ thế bằng những đường lối sai lầm, Gregory Q. Brown đảm nhận trọng trách chèo lái con tàu đang chìm vào đất liền an toàn. Greg Brown từng là thành viên Hội đồng Cố vấn An ninh Viễn thông Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, có hơn 25 kinh nghiệm điều hành trong các công ty thuộc lĩnh vực viễn thông, máy tính, phần mềm và ngành công nghiệp không dây. 
Ngay khi về Motorola, Greg Brown đã suy tính kỹ lưỡng, bàn bạc thận trọng và đánh giá các rủi ro cùng hội đồng quản trị về chiến lược sắp tới, và quyết định tách thành 2 công ty hoạt động độc lập. Cụ thể, tách thành Motorola Mobility tiếp tục chuyên về mảng điện thoại và các thiết bị giải mã truyền hình, được điều hành bởi CEO người Ấn Độ Sanjay Jha, người có nhiều kinh nghiệm hơn về các phần mềm trên điện thoại di động. Và Công ty Motorola Solutions chuyên cung cấp các sản phẩm và các dịch vụ phục vụ cho doanh nghiệp như radio 2 chiều dành cho các cơ quan an ninh, máy quét mã vạch, bộ đàm, và các thiết bị viễn thông an ninh… dưới sự lãnh đạo của Greg Brown. 
Gregory Q. Brown Giải cứu Motorola ảnh 1  
Định vị 
Sau khi thành lập Motorola Solutions vào tháng 1-2011, Greg Brown đã thay đổi phân khúc thị trường của công ty, hướng đến sản xuất các thiết bị viễn thông phục vụ trong công nghiệp, đồng thời công ty cũng cung cấp các giải pháp viễn thông trọng yếu dành cho các công ty như mạng không dây nội bộ, hay hệ thống bảo mật an ninh mạng. Greg Brown luôn đòi hỏi các kỹ sư công nghệ không ngừng nâng cao chất lượng và nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và “phủ sóng” rộng trên thị trường. 
 Khoảng thời gian đó thật sự tồi tệ, nhiều đêm tôi thức trắng để tìm ra chiến lược tối ưu và hiệu quả nhất, đồng thời cũng để xoa dịu cơn thịnh nộ của các cổ đông. 
Chính nhờ những chính sách kịp thời và định vị phân khúc thị trường hợp lý, các sản phẩm của Motorola Solutions luôn là sự lựa chọn hàng đầu của hầu hết các doanh nghiệp Mỹ và toàn cầu. Ngày nay, hình ảnh các nhân viên cảnh sát, các nhân viên an ninh của chính phủ Mỹ luôn mang theo mình thiết bị bộ đàm của Motorola Solutions là minh chứng rõ nhất cho chính sách định vị phân khúc thị trường hợp lý. Điều đó cho thấy, Greg Brown đã thực hiện đúng lộ trình, vực dậy “gã khổng lồ” công nghệ đang trên bờ vực phá sản. Chỉ 1 năm sau khi tách khỏi Motorola Inc, lợi nhuận của Motorola Solutions đã tăng từ 117 triệu USD trong quý III-2012 lên đến 336 triệu USD trong quý IV-2012. 

Thâu tóm
Sau khi giúp Motorola Solutions có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, Greg Brown tiếp tục thể hiện tài năng và bản lĩnh bằng việc mua lại hàng loạt công ty công nghệ mới nổi nhằm có được bằng sáng chế, phát minh công nghệ mới nhất trên thị trường, từ đó ứng dụng vào phát triển sản phẩm mới. Tháng 3-2018, Motorola Solutions đã mua đứt Avigilon, một công ty thiết kế, phát triển và sản xuất trí tuệ nhân tạo, với giá 1 tỷ USD nhằm phát triển các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm của công ty.
Gần đây, tháng 1-2019, Motorola Solutions thông báo hoàn tất thương vụ trị giá 445 triệu USD mua lại Công ty VaaS International Holdings, một công ty phân tích hình ảnh và dữ liệu có trụ sở tại California, Mỹ. Theo Greg Brown, thương vụ này nhằm nâng cao khả năng phân tích dữ liệu của các hệ thống camera an ninh.
Với tính năng đọc biển số chuyên biệt của VaaS, các thiết bị giám sát an ninh của Motorola Solutions, hứa hẹn sẽ nâng cao khả năng phân tích các thông tin trên biển số của các phương tiện đang di chuyển hay đứng yên, hay thậm chí trong điều kiện thời tiết hạn chế, từ đó góp phần bảo đảm an ninh cho các địa phương. Đến nay, lượng đơn hàng dành cho công ty ở mức cao kỷ lục, giá cổ phiếu lên đến 84USD, mang về cho công ty khối tài sản lên đến 9,41 tỷ USD, duy trì tên tuổi huyền thoại thiết bị di động.
Trong khi đó, người “anh em” Motorola Mobility, dưới sự điều hành của CEO người Ấn Độ Sankay Jha vẫn chưa thể đạt được sự phát triển như kỳ vọng. Vào năm 2012, Google đã mua lại hãng này với giá 12,5 tỷ USD nhằm sở hữu chuỗi bằng sáng chế điện thoại di động hãng đang sở hữu. Sang năm 2014, Google phải nhanh chóng bán tống bán tháo Motorola Mobility, vì mảng sản xuất điện thoại di động liên tiếp thua lỗ, cho tập đoàn Trung Quốc Lenovo với giá 2,91 tỷ USD. Motorola Mobility tiếp tục trượt dài khiến Lenovo phải cắt giảm 3.000 nhân viên trên toàn cầu. Đến nay doanh số Motorola Mobility đóng góp trong Lenovo vẫn không đáng kể. 

Các tin khác