Mạnh tay M&A
GTN bắt đầu được giới đầu tư chú ý trong giai đoạn 2016-2017, khi doanh nghiệp này đã đẩy mạnh hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng tiêu dùng và thực phẩm.
Cụ thể, GTN đã nắm được quyền kiểm soát nhiều doanh nghiệp đầu ngành như: Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) và CTCP Sữa Mộc Châu (MCM). Trong số các doanh nghiệp GTN thâu tóm, MCM được đánh giá là khoản đầu tư đầy toan tính và có tầm chiến lược. MCM hiện có đàn bò 23.000 con được nuôi tập trung tại thảo nguyên Mộc Châu rộng trên 1.000ha.
Trang trại của Mocchau Milk được vận hành theo mô hình khép kín của Israel, từ khâu xây dựng chuồng trại, thú y, đồng cỏ, cho đến nhà máy chế biến thức ăn. Theo thống kê, quy mô đàn bò của MCM chỉ xếp sau TH True Milk 45.000 con và Vinamilk 120.000 con. Tuy nhiên, năng suất sữa bò của MCM lại dẫn đầu với 26 lít/ngày, so với 23 lít/ngày của TH True Milk và 22 lít/ngày của Vinamilk.
Đi cùng với chính sách M&A, GTN cũng thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm cắt bỏ lĩnh vực ngoài ngành nhằm hướng đến 3 mũi nhọn chính, gồm: sản xuất và chế biến chè thông qua Vinatea; sản xuất và kinh doanh sữa bò thông qua MCM và Vilico; sản xuất rượu vang, nước giải khát và xuất khẩu điều thông qua công ty liên kết CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods).
Theo ông Nguyễn Hồng Anh, thành viên HĐQT, GTN cơ bản đã đi được một bước dài vào ngành nông nghiệp với 3 trụ cột vững chắc gồm: sữa, trà và rượu vang.
“Chúng tôi đã, đang và sẽ tái cấu trúc từ bên trong để nâng cao sức mạnh nội tại của cả 3 mảng kinh doanh cốt lõi này, đặc biệt là sữa. Trong tương lai không xa, quy mô đàn bò của GTN sẽ không dừng lại ở con số 23.000 con như bây giờ mà là 100.000 con” - ông Anh chia sẻ.
Nóng vì tin đồn
Nóng vì tin đồn
Những ngày đầu tháng 10, giới đầu tư rộ lên thông tin GTN nằm trong tầm ngắm thâu tóm của các ông lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bởi doanh nghiệp đang sở hữu mỏ “vàng trắng” MCM đầy tiềm năng. Như vậy, từ chỗ là doanh nghiệp đi thâu tóm, GTN trở thành “con mồi” của các đại gia đang có ý định mở rộng quy mô và thị phần trong lĩnh vực sữa.
Ngoài ra, ngay chính lãnh đạo GTN cũng úp mở thông tin có NĐT ngỏ ý muốn mua 51% cổ phần với mức giá lên đến 30.000 đồng/CP (cao gấp 3 lần so với giá giao dịch trên TTCK). Những thông tin này giúp cho GTN giao dịch khởi sắc hơn với hàng triệu CP được khớp lệnh mỗi phiên và giá CP cũng tăng vượt mốc 12.000 đồng/CP (tương đương mức tăng 20%). Thậm chí, có phiên giao dịch đạt xấp xỉ 5,8 triệu CP (phiên giao dịch ngày 5-10).
Cổ đông và NĐT quá kỳ vọng vào GTN vì kiểm soát đa dạng ngành hàng, nhưng thất vọng với KQKD quý III vừa công bố.
Tuy nhiên, trái ngược với sự mong đợi của NĐT, trong khi thương vụ thâu tóm vẫn chưa sáng tỏ, thì cổ đông lại đón nhận thông tin Tổng giám đốc GTN đã bán ra toàn bộ hơn 3,65 triệu CP GTN (tương đương 1,46% vốn điều lệ) trong khoảng thời gian từ ngày 5-10 đến 3-11.
Tin tức bất lợi trên cộng với báo cáo tài chính quý III với những con số không như kỳ vọng, khiến cho GTN bị bán ra mạnh và có thời điểm giá CP rơi xuống dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP). Với mức giá này, nếu tính từ thời điểm đầu năm 2018 hơn 15.000 đồng/CP thì GTN đã mất gần 40% giá trị.
Doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh
Doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh
Dù được kỳ vọng khá nhiều sau hàng loạt thương vụ M&A nhưng KQKD quý III vừa được công bố lại cho thấy bức tranh hoàn toàn ngược lại. Theo đó, doanh thu hợp nhất quý III đạt 766,9 tỷ đồng (giảm 12,9%) và lãi ròng cho cổ đông công ty mẹ chỉ đạt vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng (giảm 58,6%). Lũy kế 9 tháng, GTN ghi nhận 2.302 tỷ đồng doanh thu và 25,4 tỷ đồng lãi ròng.
Theo kế hoạch năm 2018, GTN đặt chỉ tiêu 3.450 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng đạt 165 tỷ đồng. Với kết quả này, GTN mới chỉ hoàn thành 66,7% kế hoạch doanh thu và 15,4% chỉ tiêu lãi ròng cả năm 2018.
Đối với mảng sữa, được giới đầu tư đặt kỳ vọng nhiều nhất vào GTN, cũng ghi nhận kết quả đáng thất vọng với biên lợi nhuận gộp giảm chỉ đạt 18% (giảm 5,7% so với 6 tháng đầu năm). Giải trình về KQKD không như mong đợi này, ông Tạ Văn Quyền, Chủ tịch HĐQT GTN, cho rằng ngoài yếu tố khách quan là do mùa vụ của ngành sản xuất kinh doanh chè muộn hơn năm ngoái, yếu tố chủ quan là chính sách đẩy mạnh chi phí chiết khấu, marketing và khuyến mại hàng hóa để mở rộng thị trường của mảng sữa dẫn đến việc suy giảm lợi nhuận.
Không chỉ thất vọng về hiệu quả kinh doanh, cổ đông của GTN cũng không hài lòng về tính chuyên nghiệp trong các hoạt động kinh doanh và cả hoạt động M&A vốn là thế mạnh của doanh nghiệp. Đơn cử là việc UBCKNN vừa có quyết định xử phạt GTN 90 triệu đồng do hành vi mua bán chui CP VLC (Vilico).
Theo UBCKNN, GTN đã thực hiện giao dịch mua hơn 3,18 triệu CP VLC từ ngày 15-8-2017 đến ngày 23-8-2017 nhưng không báo cáo thời gian giao dịch dự kiến. Trước đó, GTN bị Cục Thuế Hà Nội phạt hơn 233 triệu đồng do khai sai và chậm nộp thuế.
GTN hiện đang nắm giữ 35% cổ phần tại Ladofoods, 95% cổ phần tại Vinatea, 74,5% cổ phần tại Vilico và 51% cổ phần tại MCM. |